Không thể phủ nhận văn hoá Hàn Quốc phần nào ngấm vào Việt Nam. Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà ở tầm vĩ mô, đó là chủ đích của chính phủ Hàn Quốc.
Trong một đoạn phim quảng cáo phát sóng tại Thái Lan hồi năm ngoái, một cậu trẻ cố tạo ấn tượng với cô gái đang nhấp ngụm trà Lipton đá. Bỗng cậu thốt ra vài câu tiếng Hàn, và tự nhiên, cô gái phải lòng cậu ấy. Bà Jeff Yang, người Mỹ gốc Trung Quốc chuyên viết về văn hoá châu Á, cho rằng Hàn Quốc là cái nôi của hàng điện tử tiêu dùng, vùng đất có nhiều phụ nữ “chân dài”, xinh đẹp, còn nam giới trông rất bảnh trai, nam tính và có tâm hồn.
Mấy nhận xét và quan sát trên có trong cuốn sách “The birth of Korean Cool” của bà Euny Hong, viết về kế hoạch của Hàn Quốc trong việc sử dụng nền văn hoá đại chúng (pop culture) như là phương tiện để đạt đến tầm ảnh hưởng quốc tế. Ở châu Á và nhiều nơi khác (nhưng chưa đến Mỹ), văn hoá Hàn Quốc đang ngấm rất sâu.
Phim lẻ, phim truyền hình nhiều tập của Hàn, nhạc K-Pop được xem là những món hàng xuất khẩu văn hoá được nhiều nơi đón nhận nồng nhiệt, và ở Hàn Quốc, nền văn hoá này có tên riêng là Hallyu, có thể hiểu là "làn sóng Hàn Quốc". Ở Philippines, các đài truyền hình chuyển từ phim dài tập Nam Mỹ telenovelas (đang chiếu ở Brazil, Argentina và Chile) sang chiếu phim bộ Hàn Quốc. Năm 2010, dàn diễn viên ngôi sao trong bộ phim Mật danh Iris (thể loại trinh thám dài tập Hàn Quốc) cùng hát nhạc phim cho 28.000 người hâm mộ ở một sân vận động tại Saitama, Nhật. Năm ngoái, một ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc bị đám đông người hâm mộ vây kéo tại Cuba.
Trong cuốn sách của bà Hong, bà chỉ ra rằng phong trào mê văn hoá Hàn Quốc không phải là ngẫu nhiên, là “tai nạn”. Các vị lãnh đạo Hàn Quốc đang “biến Hallyu, làn sóng Hàn Quốc, thành ưu tiên số một của quốc gia”. Các chính trị gia Hàn Quốc từng đem lậu băng phim đĩa phim truyền hình của họ vào Hong Kong hồi những năm 1990, sau đó bắt tay với các nhà quảng cáo. Chính phủ Hàn trả phí cho những bộ phim nào có lồng tiếng Tây Ban Nha. Hai thập kỷ liên tiếp, chính phủ trợ cấp cho các công ty quốc doanh lẫn tư nhân trong ngành điện ảnh trong nước, nâng chất lượng phim Hàn để có thể xuất hiện thường xuyên tại Cannes. Và đến năm 2009, chính phủ Hàn tiếp tục đổ 90 triệu đô la Mỹ để kích thích ngành công nghiệp này và đưa ra luật thắt chặt bản quyền, giúp cho các nhạc sỹ trong nước. Dĩ nhiên, mục tiêu của Hàn Quốc là sử dụng thứ quyền lực mềm này để đẩy mạnh doanh thu bán điện thoại và xe hơi (chính phủ xem “Hàn Quốc” như là một thương hiệu). Đơn cử như dàn diễn viên ngôi sao trong Mật danh Iris đại diện cho Samsung.
Sự kiện KCON 2013 với chủ đề “All things Hallyu” tôn vinh “làn sóng Hàn Quốc”, tụ tập hơn 20.000 người hâm mộ K-Pop tại Los Angeles.
Hàn Quốc trong những năm 1980 không có gì hấp dẫn. Theo bà Hong, khu Gangnam ở phía Nam sông Han, nơi bà từng sống, có thể xem như địa ngục đối với một đứa trẻ người Mỹ gốc Hàn như bà. Nơi đó toàn những công trường xây dựng, khoan đục suốt ngày. Học sinh không được giáo dục chuẩn mực và thường tỏ thái độ chống đối với thầy cô giáo. Đối với bà Hong, là đứa trẻ Mỹ không nói được tiếng Hàn, bà bị cho là đứa dốt.
Bà Hong giải thích trong cuốn sách của mình rằng kể từ ấy, Hàn Quốc có một động lực phát triển, mà động lực đó (người Hàn gọi động lực ấy là “han”) bắt nguồn từ những điều bất công trong đời sống và cả sự thù ghét của họ với Nhật Bản từ nhiều đời trước.
Theo phân tích của bà Hong, han đã giúp người dân Hàn tạo được một nền kinh tế năng động và đã giúp Hallyu khả thi. K-Pop nổi tiếng với hợp đồng phát triển 12 năm, gồm từ nhà sản xuất xuống đến giới trẻ, có lịch diễn tập dày đặc cho các ngôi sao diễn viên trẻ. Tuổi thơ của một đứa trẻ Hàn Quốc không khác nhau là mấy, vì chúng đều được đặt vào một quy trình như vậy. Khi bà Hong được yêu cầu chuyển đến một trường trung học quốc tế thì bạn cùng lớp của bà cho rằng bà quá lười nhác nên không thể đậu vào trường Hàn Quốc.
Bà Hong cũng kể đến một câu chuyện xúc động về Daniel Gray, một đứa trẻ mồ côi 6 tuổi người Hàn, được cặp vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi. Đến nay quay lại Hàn Quốc, ông Gray đang làm công việc thúc đẩy ẩm thực Hàn Quốc ra nước ngoài. Ông đã tìm được mẹ đẻ của mình. Theo bà, bất kỳ quốc gia nào muốn tiếp thị văn hoá bản địa ra ngoài lãnh thổ đều cần đến những người như bà và ông Gray, là những người có thể thông dịch và giải thích văn hoá. Nhưng đến nay, cả bà và ông Gray đều cảm thấy chưa được dân Hàn chấp nhận.
Hồi năm 2012, một nhạc sỹ rap Hàn Quốc cuối cùng đã thu hút được mọi người trên thế giới biết đến Hallyu mà chính phủ Hàn từng mong đợi: anh đã thâm nhập được vào Mỹ. Đó là Psy, người nghệ sĩ nhảy điệu Gangnam Style, là tên tuổi đáng chú ý trong giới nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc, vì phần lớn nhạc phẩm của anh đều mang ý châm biếm. Anh không tổ chức buổi chào đón khi quay về quê hương mà xem đó là trò hề. Theo bà Hong, châm biếm là “điều gì đó đặc quyền của các quốc gia giàu có. Đầu tiên quốc gia ấy hớn hở vì của cải. Sau đó, họ tận hưởng sự giàu sang ấy bằng cách châm chọc chính cái suy mòn, kiệt quệ đi cùng với nó”. Một quốc gia sẽ trở nên thú vị hơn, lôi cuốn hơn khi quốc gia đó có thể rút lại những cách làm cứng nhắc, áp đặt. Hàn Quốc gần giống vậy.