Cột chống trời
Mục lục

DẪN NHẬP
Năm 1123
Mấy cậu nhóc chạy ra giá treo cổ rất sớm.
Trời vẫn còn tối, ba, bốn cậu nhóc đã chuồn ra khỏi nhà, êm như mèo trên những đôi giày bằng nỉ. Một lớp tuyết mỏng vừa phủ xuống thị trấn nho nhỏ, tựa như vừa được khoác lên tấm áo mới, và những dấu chân đầu tiên của mấy cậu nhóc như làm vấy bẩn tấm áo còn tinh nguyên ấy. Chúng chạy băng qua vài túp lều gỗ dọc hai bên đường, nhảy qua mấy hố bùn bị đóng băng, hướng đến khu chợ vẫn còn im ắng buổi sớm. Đó cũng là nơi cái giá treo cổ vừa được dựng lên hôm trước.
Tụi nhóc bỏ ngoài tai những gì người lớn dạy chúng. Chúng coi thường cái đẹp và giễu cợt lòng tốt. Chúng cười rúc lên khi thấy kẻ tật nguyền và ném đá con vật nào đang bị thương cho đến chết. Chúng khoe vết thương chúng bị và tự hào về những vết sẹo trên người. Chúng khâm phục đứa nào bị mất một phần cơ thể, như đứa nào mất một ngón tay có thể sẽ được chúng tôn sùng. Chúng rất thích bạo lực. Chúng có thể chạy hàng cây số chỉ để xem một trận huyết chiến. Và dĩ nhiên chúng chẳng thể nào bỏ qua một vụ treo cổ.
Một đứa trong đám đứng tè ngay dưới chân đoạn đầu đài. Đứa khác chạy lên bậc thang, làm động tác cứa cổ và giả ngoẹo đầu sang một bên, mấy đứa còn lại hô hào khâm phục. Hai con chó từ đâu chạy lại, sủa. Một đứa còn rất trẻ lôi trái táo ra ăn, ngay lập tức một đứa có vẻ lớn tuổi hơn đấm vào mũi nó, giật lấy trái táo. Đứa trẻ hơn phản ứng lại bằng cách lấy đá ném con chó, vừa để nó ngưng sủa, vừa làm nguôi đi chuyện bị cướp mất trái táo. Rồi thì chẳng còn biết làm gì khác, tất cả bọn nhóc tụ tập lại trên vệ đường khô ráo ở cổng vòm của nhà thờ lớn, chờ đợi điều gì đó xảy ra.
Ánh nến bắt đầu lập loè nơi các khung cửa chập của những căn nhà gỗ và đá xung quanh quảng trường, chủ yếu là nhà của những người thợ thủ cổng và buôn lái giàu có, do mấy người giúp việc nữ hoặc mấy cậu nhóc học nghề đốt lửa, đun nước và nấu cháo. Màu trời chuyển từ đen sang xám. Người dân thị trấn bắt đầu lò mò ra khỏi cửa nhà, khoác lên người những chiếc áo choàng dày nặng bằng sợi len thô để đi xuống sông lấy nước về.
Ngay sau đó, nhiều nhóm nhỏ các cậu thiếu niên, thanh niên, người lao động và thợ học việc tụ tập ra chợ. Họ xua đám nhóc đứng ở mái vòm nhà thờ đi chỗ khác, rồi đứng dựa vào cột đá khắc đủ hình thù, vừa đứng vừa gãi, vừa nhỏ nước bọt xuống đất, bàn tán rất tự tin về cái chết khi bị treo cổ là như thế nào. Một người trong đám nói rằng nếu may mắn, cổ kẻ bị treo sẽ bị gãy ngay khi rớt xuống, hắn sẽ chết lập tức mà không đau đớn; còn nếu không, mặt hắn sẽ chuyển sang đỏ, miệng mở ra và giãy dụa như cá ra khỏi nước, cho đến khi nào hắn chết vì sặc. Còn kẻ khác cho rằng chết treo mất thời gian bằng một người đi bộ khoảng một cây số. Trong khi kẻ thứ ba lại nói có thể lại tệ hơn thế vì gã từng chứng kiến một người bị treo cổ đến khi kẻ ấy chết đi thì cái cổ bị kéo dài đến cả gang tay.
Trong khi đó, mấy phụ nữ luống tuổi lại lập nhóm ở phía đối diện khu chợ, càng xa đám thanh niên càng tốt vì đám ấy thường cứ lôi “ông bà nội ngoại” ra chêm vào câu nói. Đám phụ nữ thường dậy rất sớm, nhất là những phụ nữ lớn tuổi, có lẽ vì họ không có con nhỏ cần chăm sóc. Họ là những người đầu tiên đốt lửa cho lò sưởi. Trưởng nhóm phụ nữ là quả phụ Brewster có tiếng, rất cơ bắp, vừa xuất hiện. Bà ta có thể lăn thùng rượu dễ như một đứa trẻ lăn cái vòng. Thường thì trước khi bà ta mở nắp thùng rượu là luôn có vài khách chờ, tay cầm sẵn ly, vại.
Viên quan khâm sai của quản trấn mở cổng chính, cho nông dân sống ở vùng ngoài, là mấy ngôi nhà nằm dựa vào tường thành, có thể vào thành. Vài người mang trứng sữa và bơ tươi vào bán, người khác vào mua bia hay bánh mì, số còn lại chỉ đứng ở chợ để chờ xem vụ treo cổ.
Cứ chốc chốc, người ta lại ngoảnh cổ dòm ngó, hệt như mấy con chim sẻ cảnh giác, rồi ngóng lên phía đỉnh đồi bên trên thị trấn. Họ trông thấy cột khói bốc lên từ căn bếp, thỉnh thoảng lại thấy ánh lửa lập loè phát ra từ ngọn đuốc phía sau những cánh cửa sổ chấn song của ngục đá. Và rồi, vào khoảng thời gian mặt trời phải ló dạng phía sau đám mây xám dày, những cánh cửa gỗ dày ở cổng chòi cục cựa mở ra, tiếp đó là một nhóm người tiến ra. Đi đầu là quản trấn, cưỡi con hắc mã bóng bẩy, theo sau là chiếc xe bò chở tù nhân bị hành hình. Phía sau chiếc xe bò là ba người đàn ông. Mặc dù không nhận rõ mặt từ khá xa nhưng qua cách ăn mặc, có thể biết ba người ấy là một hiệp sĩ, một linh mục và một tu sĩ. Có thêm hai người lính đầy đủ kiếm giáp đi cuối đoàn.
Vào hôm trước, tất cả bọn họ đều có mặt tại gian chính của giáo đường, xét xử vụ này. Ông linh mục bắt quả tang tên trộm; ông tu sĩ nhận ra cái cốc lễ bằng bạc là của tu viện; ông hiệp sĩ là chủ của tên trộm, xác nhận hắn bỏ trốn; và ông quản trấn kết tội hắn tử hình.
Trong khi họ chậm rãi đi xuống ngọn đồi, người dân trong thị trấn tụ tập xung quanh giá treo cổ. Những người cuối cùng tập trung là những người dân có vai trò quan trọng: ông hàng thịt, ông làm bánh, hai ông thuộc da, hai thợ rèn, ông bán dao kéo và ông nuôi ngựa, tất cả bọn họ đều đi chung với vợ.
Tâm trạng của đám đông khá lạ kỳ. Thông thường, họ đều vui thú với cảnh hành hình bằng cách treo cổ. Bọn họ rất ghét mấy tên trộm, là những đứa chuyên đi ăn cắp của cải mà họ đổ mồ hôi sôi nước mắt mà kiếm được. Nhưng tên trộm này thì khác. Chẳng ai biết hắn là ai, từ đâu mà ra. Hắn không trộm cắp gì của họ cả, mà ăn cắp đồ của một tu viện cách đó đến ba chục cây số. Và thứ hắn ăn cắp là một chiếc cốc quý, là thứ quá quý giá, hầu như chẳng thể nào đem ra chợ mà bán được, khác với việc ăn cắp một tảng thịt, một con dao mới hay một chiếc thắt lưng tốt, là những thứ có thể làm tổn thương ai đó. Họ không thể căm ghét một người mà cái tội đó là vô nghĩa đối với họ. Có vài tiếng cười nhạo và huýt sáo khi tên trộm tiến vào khu chợ, nhưng đám đông ấy lại chẳng tỏ ra kích động nhiều, chỉ có đám trẻ nhỏ cố tỏ ý chế giễu tên trộm mà thôi.
Hầu hết người dân thị trấn không có mặt tại phiên xét xử vì ngày xét xử không phải ngày nghỉ và họ còn phải làm việc kiếm sống, vì vậy đây là lần đầu tiên họ thấy mặt tên trộm này. Hắn khá trẻ, tầm độ khoảng giữa hai mươi đến ba mươi tuổi, vóc người trung bình và diện mạo khá lạ. Da dẻ hắn trắng như tuyết phủ trên mái nhà. Hắn có đôi mắt nhô ra, ánh xanh lá rất sáng và tóc hắn có màu đỏ cà rốt gọt vỏ. Đám hầu gái nghĩ hắn trông xấu tệ; đám phụ nữ lớn tuổi cảm thấy tiếc cho hắn; và đám trẻ cười hắn cho đến khi chúng cảm thấy mệt rồi thôi.
Ông quản trấn không có gì xa lạ, nhưng ba người đàn ông khác kết tội tên trộm đều trông rất lạ. Ông hiệp sĩ mập mạp, có mái tóc vàng óng, rõ là kẻ quan trọng và tầm ảnh hưởng vì ông cưỡi con chiến mã như con quái vật khổng lồ, có giá trị bằng số tiền mười năm mà một người thợ mộc kiếm được. Vị tu sĩ già hơn, tầm ngoài năm mươi, cao gầy, ngồi trên yên ngựa và tỏ vẻ như cuộc sống là một thứ gì đó quấy nhiễu ông ta. Ấn tượng hơn cả là ông linh mục, trẻ, mũi cao và có mái tóc đen rũ xuống, mặc áo thụng đen, cưỡi con ngựa màu hạt dẻ. Ông ta có ánh nhìn cảnh giác, nguy hiểm, hệt như một con mèo đen vừa ngửi thấy đâu đó cả tổ chuột con.
Một cậu nhóc cẩn thận lấy thế phun nước miếng vào tên tù, bãi nước bọt trúng ngay giữa cặp mắt của tên trộm. Hắn tức tối nguyền rủa và nhào tới cậu nhóc, nhưng lại bị sợi xích trói chặt hắn vào chiếc xe bò. Sự việc ấy chẳng có gì đáng chú ý ngoài những câu nguyền rủa mà hắn thốt ra bằng tiếng Pháp giọng Norman, là ngôn ngữ của giới quý tộc. Vậy hắn thuộc tầng lớp này hay sao? Hay hắn ở một nơi quá xa quê hương của hắn? Chẳng ai biết được.
Chiếc xe bò dừng bên dưới giá treo cổ. Tên khâm sai của quản trấn trèo lên chiếc xe bò, trong tay cầm chiếc thòng lọng. Tên tù bắt đầu chống cự. Mấy cậu nhóc tỏ ý phấn khích, vì chúng sẽ thất vọng biết bao nếu tên tù tỏ ra bình tĩnh. Nhưng tên tù chẳng cục cựa được gì nhiều vì dây trói xích chặt hết tay chân hắn, hắn chỉ lúc lắc được cái đầu để tránh chiếc thòng lọng. Chỉ phút chốc, tay khâm sai có vóc người to lớn đứng lui lại và đấm vào bụng tên tù. Tên tù đau mà gập người lại, thở hắt ra và tay khâm sai tròng sợi thòng lọng vào cổ tên tù, gút dây lại. Rồi hắn nhảy xuống đất, kéo sợi dây căng ra, cột đầu kia sợi dây vào cái cột ở giá treo cổ.
Tới đây, nếu tên tù cố vùng vẫy, hắn chỉ có chết nhanh hơn.
Hai tên lính cởi trói ở chân tên tù và để hắn đứng một mình trên chiếc xe bò, tay vẫn bị trói ngoặt ở phía sau. Đám đông trở nên im lặng.
Vào giây phút này thường có vài náo động nào đó, như mẹ của tử tù la hét, hay vợ của hắn lôi con dao trong người ra, chạy lại cố giải cứu cho hắn. Đôi khi kẻ tử tù gọi tên Thượng Đế cầu xin tha thứ hoặc tru tréo nguyền rủa kẻ hành hình hắn. Nhưng lúc này, hai tên lính khí giáp đầy đủ, đứng hai bên đoạn đầu đài, sẵn sàng cho bất kỳ sự cố nào xảy đến.
Và đó là khi tên tử tù cất tiếng hát.
Hắn có giọng nam cao rất trong. Lời ca tiếng Pháp, nhưng thậm chí với những ai không hiểu hắn hát gì cũng biết được giai điệu ấy. Hắn hát một bài ca buồn, mất mát.
Con chiền chiện trong lồng hãm
Cất tiếng hót ngọt ngào hơn hết thảy
Như giai điệu ấy
Giải phóng đôi cánh và phá tung lồng cũi.
Khi hắn hát, ánh mắt hắn chăm chăm vào một ai đó trong đám đông. Từ từ, mọi người dạt ra con người đó, rồi mọi người đều nhìn thấy cô.
Cô độ khoảng mười lăm. Khi đã thấy rõ cô, người ta lại hỏi tại sao lại không chú ý đến cô ngay từ đầu. Cô có mái tóc nâu đen dày, với một lọn tóc thả ngay giữa trán mà nhiều người tin rằng đó là ấn quỷ. Cô có vóc dáng bình thường và một đôi môi đầy đặn, gợi cảm. Mấy bà lớn tuổi để ý đến cái eo hơi lớn và bộ ngực hơi nặng của cô, cho rằng cô đang mang thai, họ cũng đoán đó là đứa con chưa ra đời của tên tù. Nhưng đó là điểm phụ, vì điểm chính hút hết sự chú ý chính là đôi mắt khác người của cô. Có thể cô xinh đẹp, nhưng cô có cặp mặt thẳm sâu, căng thẳng, ánh vàng, quá sáng và quá tập trung khi cô nhìn thẳng vào ai đó, như thể cô nhìn thấu được đến trái tim của kẻ ấy, phát hiện ra những bí mật sâu thẳm bên trong kẻ ấy. Cô ăn mặc rách rưới, hai dòng nước mắt chảy xuống gò má mềm mại.
Tay đánh xe bò nhìn ông khâm sai đợi lệnh. Ông khâm sai nhìn ông quản trấn chờ cái gật đầu. Ông linh mục trẻ tuổi trông nham hiểm vội vàng hích khuỷu tay ông quản trấn nhưng ông quản trấn không chú ý. Ông cứ để tên trộm tiếp tục hát. Và rồi có một khoảng lặng chết chóc trôi qua khi tên trộm xấu xí hát đến những lời ca cuối cùng.
Khi chiều xuống, thợ săn gom mồi,
Khi chú chiền chiện không còn thấy tự do.
Chim hay người đều phải chết
Nhưng lời ca luôn sống mãi.
Bài ca kết thúc, ông quản trấn quay sang tay khâm sai, gật đầu. Tay khâm sai hét lên “Hup!” và cầm roi quất vào con bò kéo xe. Ông kéo xe bò cùng lúc đó cũng quất roi vào con bò. Con bò tiến lên phía trước, tên tù đang đứng trên xe bò giãy dụa khi chiếc xe lăn bánh, và rồi tên tử tù hụt chân, lơ lửng. Sợi dây treo cổ căng ra, cổ tên tù gãy ngay tức khắc.
Một tiếng thét vang lên, mọi người đều quay về phía cô gái.
Đó không phải là tiếng thét của cô, mà là của bà vợ của ông thợ mài dao kéo đứng gần cô. Nhưng chính cô là người gây ra tiếng thét đó. Cô đã quỵ xuống đầu gối bà ta ngay trước giá treo cổ, tay giang rộng phía trước, là tư thế thốt ra lời nguyền rủa. Mọi người né ra sợ hãi: vì ai cũng biết rằng lời nguyền dành cho kẻ nào gây ra nỗi oan ức cho kẻ khác thường rất ứng nghiệm, và ai cũng cảm thấy một điều gì đó không đúng trong vụ treo cổ này. Mấy cậu nhóc kinh hãi.
Cô gái quắc cặp mắt vàng ánh như thôi miên của cô vào ba kẻ xa lạ, ông hiệp sĩ, ông tu sĩ và ông linh mục, rồi thốt ra những lời nguyền rủa với những lời lẽ khủng khiếp, ám ảnh: “Ta nguyền cho các ngươi bị bệnh, đau đớn, đói rách, khổ sở; nhà cửa các ngươi bị thiêu rụi, con cái các ngươi sẽ chết treo; kẻ thù các ngươi sẽ thịnh vượng và các ngươi sẽ già cỗi trong đau đớn và hối tiếc, rồi chết trong tội lỗi và quằn quại…” Khi cô đọc đến những từ cuối cùng, cô lấy trong quai xách để dưới đất bên cạnh ra một con gà trống non. Trong tay cô không biết từ lúc nào đã cầm sẵn một con dao, và với một cú cứa gọn gàng, cô cắt lìa đầu của con gà trống.
Khi máu gà còn đang phụt ra ở cần cổ, cô ném con gà bị chặt đầu ấy về phía ông linh mục có mái tóc đen. Cú ném ấy chưa đủ tới, nhưng máu gà đã vấy lên người ông ta, vấy lên cả vị tu sĩ và hiệp sĩ đứng cạnh bên. Cả ba người ấy đều xoay mặt đi kinh tởm, nhưng máu đã kịp dính lên mặt và trang phục của họ.
Cô gái quay đi và bỏ chạy.
Đám đông mở lối phía trước và khép lối sau lưng cô. Ngay lúc ấy, đám đông náo loạn. Cuối cùng, ông quản trấn hét lên với hai tên lính, bảo họ đuổi theo cô. Họ bắt đầu dạt đám đông ra rượt theo, đẩy đám đàn ông, đàn bà và con nít sang hai bên nhưng cô gái đã biến mất không dấu tích. Và dù cho ông quản trấn có săn lùng, ông cũng không thể tìm ra cô.
Ông quay lại, bực dọc. Hiệp sĩ, tu sĩ và ông linh mục không xem cuộc truy lùng ấy. Họ vẫn nhìn chòng chọc vào giá treo cổ. Ông quản trấn nhìn theo. Kẻ trộm đã chết, gương mặt từ trắng bệch chuyển sang thẫm tím, bên dưới thi thể đung đưa của hắn là con gà trống bị mất đầu vẫn chạy lăng quăng, máu vương vãi trên nền tuyết trắng.
PHẦN MỘT
1135 - 1136
CHƯƠNG 1
I
Trong thung lũng, dưới chân ngọn đồi thoai thoải, bên cạnh dòng suối trong vắt, Tom đang cất một căn nhà.
Những bức tường đã được dựng lên, cao độ một mét và chúng đang cao lên rất nhanh. Hai gã thợ nề làm cùng với Tom bắt đầu công việc từ khi mặt trời mọc, cái bay trong tay họ múa liên tục, tạo ra tiếng láp, báp, báp, còn người thuê họ đang vã mồ hôi khuân vác mấy tảng đá lớn. Con trai Tom là Alfred đang trộn hồ, lớn tiếng đếm số xẻng cát xúc vào tấm trộn. Bên cạnh Tom còn có thêm tay thợ mộc, hắn đang cẩn thận canh chặt khúc gỗ sồi bằng chiếc rìu lưỡi vòm. Alfred mới lên mười bốn nhưng đã cao lớn như Tom. Tom thường cao hơn một cái đầu so với đám đàn ông, trong khi Alfred chỉ thấp hơn ông độ vài tấc và cậu vẫn đang phát triển chiều cao. Hai cha con trông cũng giống nhau: đều có mái tốc nâu sáng và đôi mắt ngả xanh với vài đốm nâu. Mọi người đồn rằng họ là cặp đôi bảnh trai. Điểm khác nhau rõ nhất của họ là Tom có bộ râu nâu, xoăn lại trong khi Alfred chỉ có cái chỏm râu tỉa tót, nhỏ nhắn màu vàng óng. Tom thích thú nhớ lại tóc trên đầu Alfred từng có màu vàng óng ấy. Giờ đây Alfred đang trở thành người đàn ông thực thu, Tom ước gì con ông có được niềm đam mê trong công việc vì cậu còn nhiều thứ phải học nếu muốn trở thành một thợ nề giống cha. Nhưng đến giờ, Alfred vẫn tỏ ra chán chường và không nhớ mấy quy tắc trong xây dựng.
Khi căn nhà này xây xong, đó sẽ là ngôi nhà sang trọng nhất quanh vùng này. Nền nhà sẽ là gian hầm rộng rãi để chứa đồ, có mái vòm cong làm trần bên trên tránh không bị bắt lửa. Sảnh chính là nơi ở, nằm phía trên, có cầu thang bên ngoài dẫn vào, được làm cao lên để tránh bị tấn công và dễ phòng thủ. Dựa lưng với bức tường sảnh chính là ống khói giúp khói thoát ra ngoài nếu bị bắt lửa. Đây là kiểu thiết kế cấp tiến: vì Tom chỉ mới thấy được một ngôi nhà với một ống khói cho tới giờ, và điều ấy đã đánh động ông sao chép lại ý tưởng đố. Ở đầu kia của ngôi nhà, ngang qua sảnh chính, sẽ có một phòng ngủ nhỏ, là nơi dành riêng cho mấy người con gái của bá tước, vì đám con gái không thể ngủ chung ở sảnh chính với đám đàn ông, mấy bà phục vụ và đám chó săn được. Nhà bếp sẽ phải ở nơi riêng biệt, vì trước sau gì gian bếp cũng sẽ gây cháy, nên tốt nhất là xây cách xa mọi thứ khác, càng xa càng tốt và có chỗ cất giữ thực phẩm.
Tom đang làm cửa chính cho ngôi nhà. Cái trụ cửa phải tròn trịa, phải trông giống cái cột, phải mang lại được một cảm giác độc đáo dành cho cặp vợ chồng quý tộc còn rất “son” sẽ đến đây sống. Với đôi mắt lành nghề, nhớ lại trong đầu tấm gỗ mẫu mà ông xem đó như kim chỉ nam, Tom đặt cái đục xiên xiên trên tảng đá rồi lấy cây búa gỗ gõ nhè nhẹ. Những mảnh đá vụn rơi ra, tạo hình bo tròn hơn một chút. Ông lặp lại lần nữa, cần phải tròn như cái cột trong nhà thờ.
Ông từng xây một ngôi thánh đường, tên là Exeter. Lúc đầu, ông cứ xây như những công trình khác. Rồi ông cảm thấy bực tức và uất ức khi tay chủ thầu cảnh cáo ông rằng ông làm việc chưa đạt chuẩn. Vì ông tự biết mình là người cẩn thận hơn nhiều so với một thợ nề thông thường. Nhưng rồi ông nhận ra một điều là các vách tường của thánh đường tốt không vẫn chưa đủ, mà phải hoàn hảo, chỉ bởi một điều thành đường là dành cho Chúa, và cũng vì lẽ toà kiến trúc này quá lớn nên bất kỳ khiếm khuyết dù là nhỏ nhất có trên tường, một điểm gì khác đi so với tính toán ban đầu, có thể làm suy yếu cả toà nhà. Sự uất ức ban đầu của Tom kể từ đó biến thành niềm đam mê. Kết hợp giữa tham vọng xây toà nhà hoành tráng và khả năng tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất đã khai sáng cho Tom đến với kỳ quan của tay nghề thủ công. Ông học được từ tay chủ thầu Exeter về tầm quan trọng của tỉ lệ, ý nghĩa tượng trưng của những con số và nhất là các công thức thần kỳ về độ rộng của một bức tường hoặc góc của mỗi bậc thang trong cầu thang xoắn ốc. Những điều đó kích thích ông. Và ông cũng ngạc nhiên khi biết rằng nhiều tay thợ nề không thể lĩnh hội được các điều ấy.
Chỉ khoảng thời gian ngắn sau đó, Tom trở thành cánh tay mặt của tay chủ thầu. Đến lúc ấy, ông cũng nhận ra những khiếm khuyết của chủ thầu. Tay đó có chuyên môn rất tốt nhưng lại không biết cách quản lý. Hắn ta hoàn toàn bế tắc với các vấn đề như tính đúng số lượng đá cần có cho đám thợ nề làm việc liên tục, đảm bảo cho thợ rèn có đúng công cụ cần thiết, đốt đá vôi và chở cát cho thợ trộn vữa, chặt cây cho thợ mộc và nhất là làm sao cân đối đủ tiền mà bên chủ trả để trang trải mọi thứ.
Nếu như Tom cứ ở tại Exeter cho đến khi nào tay chủ thầu chết thì có lẽ chính ông sẽ lên làm chủ thầu. Nhưng nhà thờ hết tiền, phần nhiều là do chủ thầu không biết cách quản lí, còn đám thợ phải tiếp tục đi nơi khác tìm công việc khác. Tom cũng từng được mời làm vị trí cai quản Exeter, sửa chữa và gia cố thành luỹ cho thành phố. Đó có thể là công việc cả đời, trừ khi gặp tai nạn hay sự cố gì đó. Nhưng Tom không chấp nhận lời mời ấy, đơn giản vì ông muốn xây một ngôi thánh đường khác.
Vợ ông, bà Agnes, không bao giờ hiểu được quyết định như vậy. Họ từng có một ngôi nhà bằng đá kiên cố, từng có kẻ hầu người hạ và có cả một chuồng ngựa riêng, trên bàn ăn lúc nào cũng có thịt cá, nên bà không bao giờ bỏ qua cho Tom khi bỏ lỡ cơ hội như vậy. Bà không cảm được sự lôi cuốn mãnh liệt khiến Tom phải xây cho được một ngôi thánh đường: tính phức tạp nhưng đầy lôi cuốn của kết cấu, thách thức trí tuệ của đo đạc, kích thước thẳng đứng tuyệt đối của bức tường và vẻ đẹp vô bờ bến của một toà nhà khi hoàn tất. Khi mà đã nếm thứ rượu đó, Tom không thể thoả mãn được với bất kỳ thứ nước uống nào khác được nữa.
Điều đó xảy đến với Tom ngót ngét cả chục năm qua. Kể từ bận ấy, họ không bao giờ ở lại nơi nào đó được lâu. Ông thiết kế chái nhà mới cho một tu viện, làm một hoặc hai năm cho một lâu đài, hoặc xây một ngôi nhà nơi trị trấn cho tay buôn giàu có nào đó; nhưng khi có đủ tiền dành dụm, ông lại cùng vợ và các con dọn đi nơi khác, lang bạt trên đường để tìm cho được một ngôi thánh đường cần xây cất.
Từ bàn thợ mộc, ông ngước lên nhìn Agnes đang đứng ở rìa toà nhà đang xây, tay bà cầm giỏ thức ăn, tay kia giữ vại bia lớn ngang hông. Đã đến giữa trưa. Ông hớn hở nhìn bà. Chẳng ai nói bà đẹp, nhưng gương mặt bà toát lên vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ: trán rộng, mắt nâu lớn, mũi thẳng, quai hàm bạnh. Bà có mái tóc đen, cứng, chẻ ngôi và cột đuôi sau gáy. Bà chính là người bạn tâm hồn của Tom. Bà rót bia ra cho Tom và Alfred. Họ đứng đó một hồi, hai người đàn ông và một phụ nữ mạnh khoẻ, uống bia bằng mấy cái ly gỗ, và rồi thành viên thứ tư trong gia đình xuất hiện, nhảy chân sáo trên cánh đồng lúa mì: Martha, bảy tuổi, đẹp như đoá thuỷ tiên, nhưng là thuỷ tiên bị mất một cánh vì hai cái răng sữa của cô bé vừa rụng, chưa kịp nhú răng non. Cô bé chạy đến bên Tom, hôn vào bộ râu bụi bặm của ông và năn nỉ ông cho nhấp một ngụm bia. Ông ôm lấy cô bé mảnh dẻ. “Đừng uống nhiều quá, không con sẽ bị té xuống mương đó”, ông nói. Cô bé nghiêng ngả theo vòng tròn, giả bộ như đang say.
Họ cùng ngồi lại trên đống gỗ. Agnes trao cho Tom khúc bánh mì, một miếng thịt xông khói dày và một củ hành nhỏ. Ông cắn miếng thịt và lấy tay lột hành. Agnes đưa cho hai con thức ăn và rồi mình cũng ngồi ăn. Tom nghĩ có lẽ thật vô lý khi không nhận công việc chán chường ở Exeter mà cứ phải nay đây mai đó tìm cho được một ngôi thánh đường cần xây làm gì, dù gì thì mình cũng phải kiếm tiền nuôi cả gia đình, mặc cái tính vô lo ấy.
Từ túi áo tạp dề bằng da phía trước, ông lấy ra con dao ăn, cắt hành và ăn hành cùng với bánh mì. Vị hành ngọt và kích thích vị giác. Agnes nói: “Em có thai nữa rồi.”
Tom ngừng nhai, trừng trừng nhìn vợ. Một niềm vui khôn tả ập đến với ông. Chẳng biết nói gì, ông chỉ cười ngẩn ngơ với bà. Thoáng chốc, bà đỏ mặt, rồi nói: “Không ngạc nhiên hả?”
Tom ôm chầm lấy bà. “Ồ, ồ,” ông vừa nói vừa mỉm chi cọp. “Sẽ có đứa bé giật râu anh, anh nghĩ đó sẽ là một thằng Alfred nữa.”
“Đừng quá vui như vậy chứ,” Agnes cẩn trọng. “Chẳng phải điềm lành đâu nếu cứ đặt tên con trước khi sinh.”
Tom gật gật đồng ý. Agnes bị sẩy thai vài lần và sinh được một đứa bé gái, bé bỏng tên là Matilda nhưng sống được vỏn vẹn hai năm. “Dù sao thì anh vẫn thích con trai,” ông nói. “Thằng Alfred này có vẻ lớn rồi. Khi nào thì sinh?”
“Sau Giáng Sinh.”
Tom bắt đầu ngẫm tính. Phần chính của ngôi nhà sẽ hoàn thành khi cơn rét đầu tiên ập đến, rồi đến làm phần đục đẽo đá và lấy rơm phủ lên bảo vệ mấy công trình đá ấy qua khỏi mùa đông. Trong mấy tháng mùa đông, đám thợ nề sẽ cắt đá làm cửa sổ, mái vòm, cửa chính và lò sưởi, còn đám thợ mộc sẽ làm gỗ lót nền, cửa chính, cửa chớp, còn Tom làm giàn giáo cho các phần việc phía trên cao. Rồi mùa xuân đến, họ sẽ làm mái vòm cho khu bên dưới, nền cho khu bên trên và lợp mái. Công việc này sẽ nuôi cả gia đình ông cho tới ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (chủ nhật thứ bảy sau lễ Phục Sinh), là thời gian đứa bé được nửa năm tuổi. Sau đó, họ tiếp tục đi nơi khác. “Tốt”, ông hài lòng ra mặt. “Thật là tốt.” Ông ăn thêm một miếng hành nữa.
“Em già quá rồi, không nuôi nổi nữa đâu,” Agnes nói. “Đây là đứa cuối cùng đó.” Tom nghĩ về điều đó. Ông không chắc bà bao nhiêu tuổi, nhưng nhiều phụ nữ cùng độ tuổi với vợ ông cũng có thể sinh con. Tuy nhiên, thực tế là họ càng ngày càng già đi, và đứa bé sinh ra không thực sự khoẻ mạnh. Rõ ràng vợ ông nói đúng. Nhưng làm thế nào mà bà chắc chắn là bà không thể thụ thai được nữa? ông tự hỏi. Rồi ông nhận ra tại sao, bỗng có một đám mây che đi tâm trạng đầy nắng trong lòng ông.
“Anh có thể có được một công việc tốt trong thị trấn,” ông nói, cố xoa dịu bà. “Một ngôi thánh đường hay là một dinh thự nào đó. Rồi thì chúng ta có thể có được một ngôi nhà lớn, nền nhà bằng gỗ và sẽ thuê một cô hầu đỡ đần em chuyện con cái.”
Mặt bà đanh lại, tỏ ý hoài nghi: “Có lẽ thế”. Bà khong thích nghe nói về các ngôi thánh đường. Nếu Tom không bao giờ xây ngôi thánh đường nào nữa thì ngay lúc này bà có lẽ đang sống trong một ngôi nhà khang trang ở thị trấn với số tiền tiết kiệm cất bên dưới lò sưởi, và chẳng phải lo lắng bất kỳ điều gì nữa. Tom nhìn đi nơi khác và cắn miếng thịt xông khói. Họ có điều gì đó để ăn mừng, nhưng họ không hoà hợp. Ông thấy buồn. Ông nhai miếng thịt dai ấy một lúc, rồi ông nghe tiếng vó ngựa đâu đó. Ông nghiêng đầu nghe kỹ hơn. Tay cưỡi ngựa đang chạy qua những tán cây nơi con đường, băng qua lối tắt để tránh ngôi làng. Phút sau, một chàng trai trẻ phi nước kiệu trên chú ngựa non đến trước mặt ông, rồi xuống ngựa. Cậu ta trông giống một cận vệ, kiểu như hiệp sĩ mới vào nghề. “Chủ của ông đang đến,” cậu nói.
Tom đứng dậy. “Cậu nói ngài Percy hả?” Perci Hamleigh là một trong những nhân vật quan trọng trong cả nước. Cái thung lũng này và nhiều thung lũng khác nữa đều là của ông ta. Ông ta chi tiền để xây căn nhà này.
“Con ông ấy,” tay cận vệ trẻ đáp.
“Thiếu gia William.” Con của Percy, William, sẽ ở trong căn nhà đang xây này sau khi lấy vợ. Hắn ta vừa đính hôn với công nương Aliena, là con gái của bá tước vùng Shiring.
“Ừ thì tương tự vậy,” tay cận vệ trả lời. “Và cậu ấy đang nóng giận.”
Tom lo lắng. Khi chưa xây xong thì nói chuyện công việc với chủ nhà lúc nào cũng khó khăn cả. Còn nói chuyện với chủ nhà đang trong cơn giận giữ thì không thể nào có kết quả gì khả quan. “Cậu ấy giận chuyện gì?”
“Cô gái từ chối lời cầu hôn của cậu.”
“Con gái bá tước hả?” Tom ngạc nhiên. Ông cảm thấy nỗi sợ hãi ập ngay vào tim mình: ông vừa nghĩ đến việc phải đảm bảo cho tương lai của mình. “Tôi nghĩ là mọi thứ đã đâu vào đấy rồi chứ.”
“Ai cũng nghĩ vậy, trừ công nương,” tay cận vệ nói. “Ngay từ lúc gặp thiếu gia, công nương đã phán ngay là sẽ cưới bất kỳ người nào khác trên đời cũng được, miễn là không phải cậu chủ.”
Tom nhăn mày lo lắng. Ông không muốn điều ông đang nghĩ là thật. “Nhưng cậu chủ trông cũng ra dáng mà, tôi nhớ vậy.”
Agnes nói: “Giả dụ như ở vị thế công nương, nếu cưới cậu chủ sẽ tạo được một cái gì đó thay đổi thì may ra. Đằng này mấy người con gái của bá tước được phép lấy ai họ yêu thì chúng ta chỉ còn cách là xách chiếu ra đường mà ở thôi.” “Có lẽ công nương sẽ đổi ý”, Tom nói trong hy vọng.
“Công nương sẽ đổi ý nếu mẹ của cô ta lấy roi quất cô,” Agnes nói.
Tay cận vệ nói: “Mẹ công nương chết rồi.”
Agnes gật đầu. “Điều ấy giải thích tại sao công nương không biết gì về cuộc sống. Nhưng em không thấy lý do nào để cha cô ép gả cô cả.”
Tay cận vệ tiếp: “Có vẻ như bá tước từng hứa với công nương rằng sẽ không bao giờ gả cô cho ai mà cô ghét.”
“Lời hứa ngu ngốc!”, Tom giận giữ nói. Làm thế nào mà một người đàn ông mạnh mẽ ngần ấy lại tự trói mình vào một lời hứa với một cô gái theo cái cách đó chứ? Đám cưới có thể ảnh hưởng đến quân đồng minh, đến tài chính của giới quý tộc… thậm chí là đến cả cái ngôi nhà đang xây này.
Tay cận vệ nói: “Công nương có một người em trai nên cô lấy ai cũng chẳng quan trọng mấy.”
“Cho dù là vậy…”
“Và bá tước là một người không biết cúi mình,” tay cận vệ nói tiếp. “Ông ta không thất hứa, cho dù đó là lời hứa với một đứa trẻ.” Hắn nhún vai. “Người ta bàn tán như vậy.”
Tom quay sang nhìn mấy bức tường đá đang xây dang dở chưa cao lên được. Ông chưa dành dụm đủ tiền cho gia đình sống qua mùa đông sắp đến, ông nhận ra một làn gió lạnh thổi qua. “Có lẽ thiếu gia sẽ kiếm một cô gái khác để sống cùng cậu ta trong ngôi nhà này. Cậu có cả cái tỉnh này để chọn cơ mà.”
Bỗng Alfred thốt lên, giọng bị vỡ tiếng của tuổi dậy thì. “Trời ơi, con nghĩ là cậu ấy kia kìa.” Theo ánh mắt của cậu, mọi người nhìn theo ngang qua cánh đồng. Một con tuấn mã đang phi nước đại ngang qua ngôi làng, làm tung cát bụi phía sau. Câu thốt bất ngờ của Alfred quả xác đáng vì kích cỡ và tốc độ của con tuấn mã: nó rất lớn và nhanh. Trước đây Tom đã từng thấy những con quái vật tương tự vậy, nhưng có lẽ Alfred chưa từng thấy. Đó là con chiến mã, lưng nó cao tới cằm người đàn ông và dáng nó to lớn tương ứng như vậy. Những con chiến mã ấy không được nuôi ở Anh mà từ nước ngoài nên chúng rất đắt tiền. Tom thả miếng bánh mì đang ăn dở vào cái túi phía trước tấm tạp dề, rồi nheo mắt lại cho khỏi chói nắng để nhìn kỹ phía bên kia cánh đồng. Con ngựa đó có đôi tai màu đen và lỗ mũi nó bạnh ra, nhưng Tom trông chừng nó có vẻ ngẩng đầu cao, là dấu hiệu cho thấy nó không hoàn toàn bị mất kiểm soát. Tom chắc chắn điều ấy hơn nữa khi nó tiến gần hơn và tay cưỡi ngựa ngả người ra sau, kéo cương và con thú khổng lồ ấy có vẻ chạy chậm lại một chút. Đến lúc này, Tom có thể cảm nhận được tiếng vó dậm rung mặt đất dưới chân ông. Ông nhìn quanh tìm Martha để ẵm cô bé lên, dỗ dành để cô bé khỏi sợ. Agnes cũng có cùng suy nghĩ đó. Nhưng Martha chạy đâu không thấy.
“Ở dưới đồng”, Agnes vội nói, nhưng Tom cũng đã hình dung ra và nhào xuống cánh đồng, băng qua công trường. Ông lướt mắt khắp trên đám lúa mạch đang vẫy sóng, nỗi lo sợ dâng ngập lòng mà chẳng thấy đứa bé đâu.
Điều duy nhất ông nghĩ lúc này là làm sao cho con ngựa chạy chậm lại. Ông bước lên con đường và đi về hướng con thú khổng lồ ấy đang nhào tới, hai tay dang rộng ra. Con ngựa thấy ông, ngẩng đầu lên cao hơn để nhìn và chạy chậm lại. Sau sau đó, Tom hãi hùng khi thấy tay cưỡi ngựa thúc nó tiếp tục chạy.
“Thằng ngốc!”, Tom rống lên mặc dù có thể tay cưỡi ngựa không nghe thấy. Ngay lúc ấy, Martha bước ra khỏi cánh đồng và đứng ngay trước Tom vài bước chân.
Khoảnh khắc đó, Tom đứng lặng, hốt hoảng. Nhưng rồi ông nhảy tới, hét lên và vẫy tay; nhưng đây là con chiến mã, được huấn luyện để tăng hưng phấn khi nghe tiếng thét nên nó không hề ngần ngại. Martha vẫn đứng giữa con đường hẹp, nhìn trừng trừng như thể bị chết khiếp khi thấy con quái vật khổng lồ đang nhào tới cô. Ngay lúc ấy Tom tuyệt vọng nhận ra rằng ông không thể với tới cô bé kịp trước con ngựa. Ông lách qua một bên, cánh tay ông chạm vào cây lúa mạch, và ngay khoảnh khắc cuối cùng, con ngựa cũng lách qua bên kia. Cái bàn kê chân của tay cưỡi ngựa chạm vào lọn tóc Martha; vó ngựa để lại dấu tròn ngay bên cạnh bàn chân trần của cô bé; rồi con ngựa cũng vượt qua, tung bụi lên cả hai cha con. Tom ẵm cô bé lên, giữ cô chặt ngay trên trái tim đang đập như trống giục của ông.
Ông đứng lặng trong phút chốc, thở phào nhẹ nhõm, chân tay ông như muốn rụng rời và người vã mồ hôi hột. Sau đó, ông cảm thấy căm phẫn tên ngu đần nào cưỡi con ngựa chiến ấy. Ông giận dữ nhìn lên. Thiếu gia William đã hãm con ngựa lại, vẫn ngồi trên yên, chân đẩy bàn đạp ngựa ra phía trước, tay đung đưa sợi dây cương. Con ngựa lách qua để tránh bãi công trường. Con ngựa hất đầu và cong thân lên nhưng William vẫn vững trên lưng nó. Cậu chủ kiềm nó lại và điều khiển cho nó chạy một vòng rộng.
Martha khóc. Tom trao cô bé cho Agnes, chờ William. Cậu chủ trẻ có dáng người cao ráo, cân đối, độ khoảng hai mươi tuổi, tóc vàng và đôi mắt ti hí như thể lúc nào cậu cũng nhìn về phía mặt trời. Hắn ta mặc chiếc áo chẽn đen, ngắn, ống giày cùng màu và đôi giày da có khuy đan lên tận đầu gối. Hắn ngồi vững trên lưng ngựa và có vẻ không chút run rẩy gì với sự việc vừa diễn ra. Thằng ngốc ấy thậm chí còn không biết nó vừa gây ra chuyện gì, Tom nghĩ ngợi cay đắng, tao chỉ muốn vặn cổ mày.
William dừng còn ngựa trước đống gỗ và nhìn xuống mấy tay thợ xây. “Ai quản lý chỗ này?” hắn hỏi.
Tom chỉ muốn nói Nếu mày làm bị thương con bé, tao sẽ giết mày, nhưng ông cố kiềm cơn giận lại, như thể cố nuốt đầy một thứ gì đắng ngét. Ông tiến đến con ngựa và giữ bờm nó. “Tôi là quản đốc ở đây, “ ông nói ngắn gọn. “Tôi tên Tom.” “Không cần xây ngôi nhà này nữa,” William nói. “Giải tán đám người của ngươi đi.”
Đó chính là điều Tom e sợ. Nhưng ông vẫn níu chút hy vọng rằng William nói vậy là do cơn giận mà ra, và rằng ông có thể thuyết phục hắn thay đổi suy nghĩ đó. Cố gắng thêm lần nữa, ông nói giọng thân thiện và lý lẽ. “Nhưng bây giờ căn nhà này cũng xây được kha khá rồi. Tại sao ngài lại phí tiền như vậy? Một ngày nào đó ngài sẽ lại cần đến nó.”
“Đừng bảo ta quản lý tài sản của ta thế nào, quản đốc Tom ạ,” William nói. “Giải tán hết mọi người đi.” Hắn kéo dây cương, nhưng Tom lại giữ cái bờm ngựa. “Bỏ tay ra khỏi con ngựa,” William nói giọng đe doạ.
Tom nuốt cơn giận. Trong lúc ấy, William cố gắng kéo đầu con ngựa lên cao. Tom cho tay vào túi tạp dề, lấy ra mẩu bánh mì ông đang ăn dở. Ông dúi cho con ngựa và nó cuối đầu xuống cắn miếng bánh. “Chúng ta cần nói vài thứ nữa trước khi ngài rời khỏi đây, thưa ngài,” ông nói nhỏ nhẹ.
William nói: “Thả con ngựa ra, không ta sẽ chém bay đầu ngươi.” Tom nhìn thẳng vào hắn, cố không tỏ ra sợ sệt. Ông to lớn hơn William nhưng điều ấy không nghĩa lí gì nếu hắn rút gươm ra.
Agnes thốt lên sợ hãi: “Làm như ngài ấy bảo đi, chồng.”
Một khoảng lặng chết chóc trôi qua. Những tay thợ xây khác đứng lặng như tượng, theo dõi. Tom biết rằng mình cần hành động thận trọng. Nhưng William gần như dẫm lên đứa con bé bỏng của Tom, điều ấy mới khiến Tom sôi máu. Tim đập thình thịch, Tom nói: “Ngài phải trả công cho chúng tôi.”
William kéo dây cương, nhưng Tom vẫn giữ cái bờm ngựa thật chặt, và con ngựa bị xao động, nó chúi mũi vào cái túi tạp dề của Tom để đòi thêm thức ăn. “Đến cha ta mà đòi tiền công!” William giận giữ nói.
Tom nghe một tay thợ mộc nói giọng run rẩy: “Chúng tôi sẽ làm như vậy, thưa ngài, cảm ơn ngài rất nhiều.”
Thằng nhát, Tom nghĩ, nhưng chính ông cũng đang run. Dù sao đi nữa ông cũng buộc mình phải thốt lên: “Nếu ngài muốn giải tán chúng tôi thì ngài phải trả cho chúng tôi đúng theo luật. Nhà của cha ngài cách đây đến hai ngày đường, và nếu chúng tôi có đi tới đó thì chưa chắc cha ngài có ở đó.” ”Những kẻ ăn nói tử tế hơn ngươi còn phải chết vì lời chúng thốt ra đó,” William nói. Mặt hắn đỏ lên vì giận.
Ở khoé mắt, Tom thấy tay cận vệ đặt một tay lên chuôi kiếm của gã. Ông biết mình nên từ bỏ ý định đó ngay bây giờ được rồi, tự hạ thấp mình xuống, nhưng vẫn có đâu đó một cục giận trong bụng khiến ông không thả cái bờm ngựa trong tay ra được. “Trả cho chúng tôi trước, rồi giết tôi cũng được,” ông nói cách bất cần. “Vì việc này, ngài có thể treo cổ tôi, hoặc không; nhưng trước sau gì ngài cũng phải chết, và lúc ấy tôi sẽ ở trên thiên đàng, còn ngài ở dưới địa ngục.”
Một nụ cười khinh bỉ hiện trên khuôn mặt của William, và rồi gương mặt ấy tái đi. Tom ngạc nhiên: chuyện gì làm thằng nhóc ấy kinh hãi? Chắc chắn không phải chuyện treo cổ rồi: vì chẳng thể nào một người ở hàng chủ lại bị treo cổ vì sát hại một kẻ tôi tớ. Nó sợ địa ngục sao?
Cả hai trừng trừng nhìn nhau một hồi. Tom rất ngạc nhiên và nhẹ lòng khi thấy William không còn giận giữ nữa, mà thay vào đó là thái độ lo lắng. Cuối cùng, hắn lấy ra một cái ví da nơi thắt lưng và quẳng cho tay cận vệ, nói: “Trả cho bọn chúng.”
Lúc ấy, Tom tiếp tục dịp may này. Khi William kéo dây cương lần nữa, con ngựa ngẩng cao đầu lên và bước qua một bên. Tom cũng di chuyển theo con ngựa, tay vẫn giữ cái bờm, rồi nói: “Theo luật, nếu giải tán đám thợ thì phải trả trọn một tuần công.” Ông nghe thấy tiếng thở dài của Agnes ngay sau mình, và ông biết bà nghĩ ông bị điên khi nói đến mấy chuyện này. Nhưng ông lại tiếp. “Sáu xu cho thợ phụ, mười hai xu cho thợ mộc và thợ nề, riêng tôi là hai mươi bốn xu. Tổng cộng là sáu mươi sáu xu.” Ông có thể tính toán chuyện này nhanh hơn bất cứ ai.
Tay cận vệ nhìn lên chủ mình, chờ đợi. William giận giữ nói: “Rất giỏi.” Tom thả tay ra khỏi bờm ngựa, bước lùi lại.
William quay đầu con ngựa, đá thúc nó thật mạnh, và nó lao lên con đường băng qua đồng lúa.
Tom ngồi ngay xuống đống gỗ. Ông tự hỏi thứ gì nhập vào mình vậy. Thật là khùng khi thách thức với ngài William như thế. Ông cảm thấy mình may mắn khi còn sống.
Tiếng vó của con chiến mã xa dần, và tay cận vệ trút chiếc túi tiền lên một tấm bảng. Tom cảm thấy một luồng chiến thắng trỗi dậy khi thấy những đồng bạc lấp lánh dưới ánh nắng. Đúng thật khùng, nhưng lại được việc: ông đảm bảo trả được tiền công cho mình và cho cả đám thợ của mình. “Điền chủ cũng phải tuân theo luật chứ,” ông nói, như thể nói cho chính mình vậy.
Agnes nghe được. “Anh đừng mong xây một thứ gì khác cho ngài William nữa,” bà nói giọng chua chát.
Tom mỉm cười với bà. Ông hiểu được bà như vậy là vì bà đã sợ. “Đừng quá khó chịu như vậy chứ em, không thì em sẽ chẳng có gì cả. Em cần có sữa cho con bú khi sinh nó ra.”
“Em không thể làm cái gì cho gia đình ta ăn được nếu như mùa đông này anh không tìm được việc.”
“Còn lâu mới tới đông mà,” Tom đáp.
II
Họ trú lại trong làng suốt mùa hè. Sau đó, họ đưa ra một quyết định rất sai lầm, nhưng vào thời điểm đó lại có vẻ hợp tình hợp lý, vì Tom, Agnes và Alfred mỗi người có thể kiếm được chút tiền làm công trên cánh đồng lúa mạch khi vụ mùa đến. Còn khi thu tới, họ phải tiếp tục đi nơi khác, trong túi cũng có rủng rỉnh ít tiền và có thêm một con lợn béo.
Đêm đầu tiên, họ nghỉ lại tại dưới mái vòm của một ngôi nhà thờ lớn, nhưng đến đêm thứ hai, họ đến được một tu viện ở nông thôn và được tiếp đón chu đáo. Đêm thứ ba, họ đi đến giữa khu rừng Trượt đầy bụi rậm và nhiều cây lớn, bề ngang của con đường giờ đây hẹp lại chỉ bằng chiếc xe bò, hai bên đường đầy cỏ dại bám quanh những gốc sồi khổng lồ.
Tom vác bộ đồ mộc nhỏ đựng trong túi xách và giắt mấy cây búa quanh eo. Ông cuộn chiếc áo choàng của mình lại, kẹp dưới nách trái, tay phải cầm cái que sắt làm gậy chống. Như mọi lần, ông cảm thấy rất vui khi lại lên đường. Công việc sắp đến của ông có thể là xây một ngôi thánh đường nào đó. Ông có thể làm quản đốc và xây một ngôi nhà thờ thật hoành tráng, như để đảm bảo cho ông có được một chỗ trên thiên đàng.
Agnes dồn mọi thứ vật dụng trong nhà vào cái nồi mà bà vác sau lưng. Alfred thì xách mấy vật dụng xây cất: một cái rìu thường, một cái rìu lưỡi vòm, một cái cưa, một cái búa nhỏ, một cái dùi đóng lỗ cho da và gỗ, và một cái bay. Martha còn quá nhỏ nên được miễn nhưng cô bé phải tự mang cái chén của mình, con dao ăn gắn ở thắt lưng và cái áo choàng giữ ấm gói sau lưng. Tuy vậy, nhiệm vụ của cô bé là dẫn theo chú heo cho tới khi nào cả nhà tìm được cái chợ nào đó để bán nó đi.
Tom luôn trông chừng Agnes khi họ bộ băng qua khu rừng dường như bất tận này. Đến giờ, cái thai bà mang đã lớn, nên bà vừa phải gánh một mớ sau lưng, và thêm cả cái bụng dần lớn lên này nữa. Nhưng bà không hề tỏ ra mệt mỏi. Alfred cũng vậy, cũng rất ổn: cậu đang tuổi lớn, độ tuổi mà có quá nhiều năng lượng và thường đám thanh niên không biết làm gì với nó. Chỉ có Martha là tỏ ra mệt mỏi. Chân cô bé nhỏ, chỉ thích hợp để chạy nhảy tung tăng mà thôi, không phải để đi bộ đường dài, nên cô bé thường bị tụt lại quãng xa phía sau, để mọi người thỉnh thoảng phải dừng lại chờ cô bé và chú lợn bắt kịp.
Trên đường đi, Tom luôn mường tượng ra một ngôi thánh đường mà một ngày nào đó ông sẽ xây. Luôn luôn theo một quy trình, ông hình dung cái mái vòm trước tiên. Mái vòm rất đơn giản: hai cột đứng chống cho cái mái hình bán nguyệt. Tiếp theo, ông nghĩ đến cái mái vòm thứ hai, giống như cái đầu. Ông ghép hai cái mái vòm ấy lại vói nhau, trong đầu ông nghĩ đến một con đường mái vòm sâu hút. Sau đó ông thêm một mái vòm nữa, rồi một mái vòm nữa, càng nhiều càng tốt cho đến khi chúng sắp thành một hàng dài, tạo thành một đường hầm. Đó là cái tinh tuý của xây dựng, vì nó có cái mái để chống mưa và có 2 bức tường để giữ cái mái. Nhà thờ giống như một cái đường hầm mái vòm như vậy, nhưng chi tiết hơn, tỉ mỉ hơn.
Đường hầm lúc nào cũng tối tăm, nên cái tu chỉnh đầu tiên là thêm cửa sổ. Nếu bức tường đủ vững thì có thể đục lỗ được. Đầu lỗ đục cần phải tròn, đường đục phải thẳng hai bên và cái ngạch phải phẳng, các lỗ đục phải đều nhau. Hình dáng của mái vòm, cửa sổ, cửa chính phải giống nhau sẽ tạo cho khối kiến trúc trở nên đẹp. Tính cân đối là yếu tố khác, và Tom hình dung mười hai cửa sổ có khoảng cách đều tăm tắp, tương ứng với mỗi bức tường của đường hầm.
Tom thử hình dung cách làm gờ trang trí cho cửa sổ, nhưng ông bị mất tập trung vì cảm thấy mình đang bị theo dõi. Ông nghĩ thật là ngớ ngẩn vì trong rừng thì thiếu chi chim, cáo, mèo, sóc, chuột, chồn nhìn thấy ông khi chúng loăng quăng trong rừng.
Tới trưa, họ cùng ngồi nghỉ bên một bờ suối. Họ uống nước suối trong vắt, ăn thịt nguội và táo tây dại rơi rụng trong rừng.
Đến chiều, Martha mệt. Nhiều lúc cô bé bị rớt lại phía sau mấy chục mét. Khi đang đứng đợi cô bé bắt kịp, Tom nhớ lại Alfred lúc ở tuổi cô. Cậu rất đẹp trai, tóc ánh vàng, đậm người và khoẻ mạnh. Hoài niệm thú vị ấy trộn lẫn với cái cáu gắt trong Tom khi ông phải xem Martha lùa con heo đi cho nhanh vì nó đi quá chậm. Rồi ngay sau đó, có kẻ nào đó từ trong bụi cây nhảy ra chắn trước lối đi của cô bé. Chuyện tiếp theo xảy ra quá nhanh khiến Tom khó có thể tin vào mắt mình. Kẻ lạ mặt ấy đột nhiên xuất hiện trên đường, giơ cây gậy qua đầu hắn. Rồi một tiếng thét khủng khiếp phát ra từ cuống họng Tom, nhưng trước khi ông kịp thốt nó ra thì người đàn ông kia đã vung cây gậy vào Martha. Cây gậy đập trúng một bên đầu cô bé, tiếp đó Tom nghe một âm thanh thật chết chóc vang lên. Cô bé ngã xuống đất như con búp bê bị ai đó làm rơi.
Tom tức tốc chạy ngược lại con đường tới chỗ họ, chân ông dẫm thình thịch trên mặt đất, tựa như vó ngựa chiến của William, như muốn đôi chân ông phải chạy nhanh hơn nữa. Khi chạy, ông đã thấy những gì xảy ra trước mắt, và nó giống như đang nhìn vào một bức tranh treo quá cao trên bức tường trong nhà thờ, vì ông chỉ có thể thấy được mà chẳng làm gì được. Không nghi ngờ gì nữa, kẻ tấn công là tên du thủ du thực. Hắn lùn, tướng tá chắc nịch, mặc bộ đồ màu nâu và đi chân đất. Ngay lúc đó, hắn nhìn thẳng vào Tom, và Tom cũng có thể thấy mặt hắn không lẫn vào đâu được: môi hắn không còn nữa, có thể do bị cắt vì tội nói dối, và miệng hắn giờ đây chỉ thấy một nụ cười ghê tởm, xung quanh cái miệng ấy là mấy cái mô sẹo nổi quện vào nhau. Cảnh tượng kinh khủng trước mắt khiến Tom dừng lại, nhưng cơ thể bé bỏng của Martha vẫn đang nằm dưới đất.
Tên cướp ấy không nhìn Tom nữa mà quay sang con heo. Ngay lập tức, hắn cúi xuống bê con heo lên, kẹp con vật đang giãy giụa ấy dưới nách và lao vào đám bụi cỏ bên đường, lấy đi tài sản giá trị duy nhất còn lại của gia đình Tom. Tom quỳ xuống bên Martha, đặt bàn tay vạm vỡ của ông lên ngực cô bé và cảm thấy được nhịp tim đập đều và mạnh, nỗi lo lớn nhất trong ông tan đi; nhưng mắt cô bé vẫn nhắm chặt, lọn tóc vàng bên đầu nhuốm thêm màu máu đỏ tươi. Liền ngay sau đó, Agnes xuất hiện bên cạnh ông. Bà kiểm tra ngực, tay chân và đầu cô bé, sau đó bà quay sang nhìn Tom với ánh mắt khẳng định. “Nó sẽ sống”, bà nói ngắn ngọn “Đi tìm con heo đi”.
Tom nhanh chóng cởi bỏ túi đồ nghề đang đeo, thả nó xuống đất. Tay trái ông lôi ra chiếc búa sắt đeo bên thắt lưng, tay phải vẫn cầm cây gậy sắt. Ông thấy bụi cây tên cướp vừa nhảy vào, ông nghe thấy tiếng con heo kêu eng éc trong rừng. Ông lao vào bụi cỏ.
Dễ bám theo dấu của tên cướp vì người hắn to chắc, vừa chạy vừa ôm con heo nên dấu vết để lại trên cỏ rất rõ, hắn dẫm dẹp hết hoa lá, những bụi cây nhỏ nơi hắn chạy qua. Tom đuổi theo, máu nóng trong người sôi lên, muốn trừng trị tên cướp ấy. Ông lao qua mấy gốc bạch dương lớn, chạy xuống triền dốc, băng qua một bãi lầy, tới một con đường mòn nhỏ hẹp. Tới đó, ông dừng lại. Tên cướp có thể đi bên trái hoặc bên phải, vì giờ chẳng còn gốc cây bụi cỏ nào để ông lần theo. Nhưng Tom dỏng tai nghe ngóng, tiếng con heo kêu đâu đó ở bên trái. Ông cũng nghe tiếng ai đó đuổi theo phía sau ông, có lẽ là Alfred. Ông tiếp tục theo tiếng kêu của con heo.
Con đường mòn dẫn xuống một bãi trũng, rồi quặt gấp lên phía trên. Đến đây, tiếng con heo kêu rõ hơn. Ông chạy lên đồi, thở nặng nhọc. Nhiều năm hít thở bụi đá khiến phổi ông không còn khoẻ khoắn như xưa nữa. Đột nhiên, trên con đường đang chạy, ông thấy tên cướp, cách ông khoảng vài chục mét, hắn chạy như thể có ma đuổi sau lưng. Tom cố gắng chạy hết tốc lực thêm lần nữa. Ông sắp bắt kịp hắn, vì ông biết vừa chạy vừa ôm con heo thì không thể chạy nhanh được so với ông. Nhưng bây giờ, ngực ông nhói đau. Tên cướp chỉ còn cách mười mét, rồi tám mét. Tom giơ cây gậy lên như một ngọn lao. Chỉ gần hơn chút nữa thì ông sẽ phóng. Bảy mét, sáu…
Trước khi cây gậy kịp rời khỏi tay thì bên khoé mắt ông đột nhiên xuất hiện một gương mặt mỏng, đội chiếc nón màu xanh lá trồi lên từ cái bụi cây gần đó bên cạnh con đường mòn. Quá trễ để né, một cây gậy lớn từ đâu chìa ra trước mặt ông, ông dẫm lên nó rồi bổ nhào xuống đất.
Ông thả cây giáo cầm ở tay trái ra nhưng tay phải vẫn cầm chắc cây búa. Ông lăn vài vòng rồi quỳ một gối lên. Ông thấy bọn cướp có đến hai tên: một tên đội mũ xanh và một tên hói với bộ râu trắng. Chúng nhào đến Tom.
Tom bước qua một bên và vung cây búa vào tên nón xanh. Hắn né được nhưng cái đầu búa vừa lớn vừa nặng đánh trúng bả vai hắn, hắn kêu lên đau đớn, ngã xuống, ôm lấy bả vai như thể nó vừa bị gãy. Tom không đủ thời gian để nâng cây búa lên cho đòn giáng thứ hai trước khi tên hói tiếp cận được ông, nên ông lủi cái đầu búa vào mặt hắn, trúng cằm hắn.
Cả hai tên cướp đều lùi lại vì bị thương. Tom không có cớ gì tiếp tục đánh nhau với hai tên này nữa mà ông nhìn quanh. Tên cướp ôm con heo vẫn chạy. Tom lại tiếp tục đuổi theo, phớt lờ cơn đau trong ngực đang hành hạ. Nhưng mới chạy được vài bước thì ông nghe tiếng thét phía sau, giọng rất quen.
Alfred.
Ông dừng lại, ngoái nhìn.
Alfred đang đánh nhau với hai tên kia, tay đấm chân đá. Anh đấm tên mũ xanh vào đầu ba hay bốn lần, rồi đá vào ống quyển của tên hói. Nhưng cả hai tên kia đeo bám lấy anh khiến anh không thể tung hết sức vào mấy cú đấm đá đó được. Tom chần chừ, không biết nên đuổi theo con heo hay cứu con mình. Rồi tên hói dùng chân hắn gạt được chân của Alfred khiến anh té xuống, khi ấy, cả hai tên nhào lên anh, đấm đá túi bụi vào mặt và người anh.
Tom chạy lại. Ông nện tên hói và quẳng hắn bay vào trong bụi, rồi giơ cây búa hướng vào tên nón xanh. Tên này từng nếm độ nặng của cây búa rồi và giờ hắn chỉ còn đánh bằng một tay. Hắn né được cú giáng đầu, rồi quay lại nhảy vào bụi rậm trước khi Tom có thể vung thêm lần nữa.
Tom quay lại và thấy tên hói chạy mất xuống con đường mòn. Ông quay sang hướng ngược lại: tên cướp cắp con heo giờ chẳng thấy đâu. Ông thở nặng nhọc, thầm chửi. Con heo ấy đáng giá cả nửa gia tài mà ông dành dụm được trong hè này. Ông ngồi bệt xuống đất, thở.
“Ta đánh đến ba đứa bọn chúng!” Alfred giọng đầy hứng khởi.
Tom nhìn cậu. “Nhưng chúng lấy được con heo nhà mình,” ông nói. Cơn giận như thứ rượu dỏm đang cào xé bao tử ông. Hồi mùa xuân rồi, họ mua con heo này ngay khi dành dụm đủ tiền, rồi đến hè, họ vỗ béo nó. Một con heo thịt mập bán được đến sáu mươi đồng. Vài bó bắp cải và một bao gạo, cả gia đình có thể sống qua được mùa đông và có thể làm thêm được vài đôi giày da, thêm được một hoặc hai cái túi. Mất mát này thực sự rất lớn.
Tom nhìn Alfred vẻ trách móc khi anh vừa ngồi dậy được sau trận ẩu đả. Ông sốt ruột ngồi chờ. Tom nghĩ đã bao lâu rồi, từ khi mình có thể chạy nhanh như gió và hiếm khi nào tim đập như trống giục như lúc này. Chắc từ thời mình… độ đôi mươi. Hai mươi năm rồi mà cứ như thể ngày hôm qua.
Ông đứng dậy.
Ông khoác tay lên bờ vai rộng của Alfred khi họ đi ngược lại con đường mòn. Cậu vẫn thấp hơn cha khoảng một gang tay, nhưng khi cậu cao bằng cha thì có lẽ cậu vạm vỡ hơn nhiều. Tom nghĩ ông hy vọng được chứng kiến cảnh cậu trưởng thành thế nào. Ông nói: “Bất kỳ đứa ngốc nào cũng có thể đánh nhau, nhưng một người khôn ngoan sẽ biết khi nào nên đứng ngoài cuộc chiến.” Alfred nhìn ông hờ hững.
Họ quay lại con đường, băng qua cái đầm, leo ngược lên dốc, đi ngược dấu mà tên cướp để lại. Khi họ đi ngang qua mấy gốc bạch dương rậm rì, Tom nghĩ đến Martha, và một lần nữa, có gì đó nhói lên trong bụng ông. Tên cướp đã đánh cô bé không thương tiếc mặc dù cô bé chẳng làm gì hắn.
Tom đi nhanh hơn, thoáng chốc ông và Alfred đi lên được mặt đường. Martha vẫn nằm chỗ cũ, không cử động gì. Mắt cô bé vẫn nhắm và máu khô bện trên tóc. Agnes quỳ bên cạnh, nhưng họ, với chính Tom đúng hơn, ông ngạc nhiên vì thấy có thêm cả một phụ nữ và một cậu bé khác. Ý nghĩ đánh động ông rằng chẳng nghi ngờ gì, đúng là mình bị theo dõi từ đầu ngày hôm nay, trong rừng không chỉ có mỗi mình gia đình ông. Ông cúi xuống, lần nữa đặt tay lên ngực Martha. Nhịp thở của cô bé vẫn bình thường.
“Bé sẽ sớm tỉnh lại thôi,” người phụ nữ lạ mặt nói, giọng điệu có vẻ rất có uy. “Rồi có thể bé sẽ bị nôn mửa, nhưng cô bé sẽ không sao đâu.”
Tom tò mò nhìn cô ta. Cô cũng đang quỳ bên Martha. Cô khá trẻ, có lẽ trẻ hơn Tom cả con giáp. Cô mặc chiếc áo da ngắn nên để lộ một chút vòng eo. Cô có gương mặt đẹp, tóc nâu đen, có lọn rớt xuống giữa trán. Bỗng nhiên Tom dâng trào ham muốn nào đó. Rồi cô ngẩng mặt nhìn ông, ông nhận xét: cô ta có cặp mắt rất chăm chú, sâu, mắt màu vàng mật ong hiếm thấy, nên tạo cho gương mặt cô phảng phất vẻ ma thuật, và ông cảm thấy như chắc là cô biết ông đang nghĩ gì.
Ông lảng ánh nhìn đi nơi khác để che đậy nỗi bối rối, rồi ông bắt gặp ánh mắt của Agnes. Bà trông bực dọc. Bà nói: “Con heo đâu rồi?”
“Còn có thêm hai tên cướp nữa,” Tom nói.
Alfred nói: “Mình đánh chúng, nhưng tên ôm con heo chạy mất.”
Agnes trông rất giận dữ, nhưng bà không nói thêm lời nào.
Người phụ nữ lạ nói: “Chúng ta có thể dời cô bé vào bóng cây.” Cô đứng dậy, rồi Tom nhận ra vóc người cô khá nhỏ nhắn, ít nhất thì cũng thấp hơn ông cả tấc. Ông cúi xuống, cẩn thận bế Martha lên. Đối với ông, cơ thể của cô bé hầu như không trọng lực. Ông vác cô bé đi vài bước dọc theo con đường và đặt cô xuống một trảng cỏ bên dưới bóng râm ở gốc cầy sồi già. Cô bé vẫn rất mỏng manh.
Alfred đi gom nhặt đồ nghề rơi rớt trên đường trong lúc ẩu đã. Thằng bé con của người phụ nữ lạ mặt kia chỉ đứng nhìn, mắt mở to, miệng há ra nhưng không nói tiếng nào. Cậu bé ấy có lẽ chỉ nhỏ hơn Alfred độ ba tuổi nhưng nhìn rất trẻ con, không có chút gì thừa hưởng nét đẹp từ mẹ nó. Da dẻ cậu bé rất xanh xao, tóc màu hung, mắt xanh hơi lồi. Tom nghĩ cậu bé có vẻ đần đần; kiểu như sẽ sớm bị chết yểu hoặc chậm phát triển. Rõ ràng Alfred cảm thấy khó chịu khi cậu bé cứ nhìn chằm chằm vào anh.
Khi Tom quay lại, cậu bé giằng lấy cái cưa khỏi tay Alfred mà không nói lời nào, rồi nhìn ngắm cái cưa như thể đó là vật gì tuyệt vời lắm. Cậu bé vô lễ như vậy khiến Alfred cảm thấy bị xúc phạm, nên anh giật lại cái cưa, cậu bé dửng dưng thả tay ra. Mẹ nó nói: “Jack, đàng hoàng lại nào!”. Cô tỏ ra bối rối. Tom nhìn cô. Cậu bé không giống cô chút nào. “Cô là mẹ nó hả?” Tom hỏi.
“Vâng, tôi là Ellen.”
“Chồng cô đâu?”
“Chết rồi.”
Tom ngạc nhiên. “Cô đi đường một mình à?” ông ngờ ngợ hỏi. Khu rừng này chính bản thân ông còn cảm thấy nguy hiểm, huống hồ một phụ nữ một thân một mình thì còn khó đến mức nào nữa.
“Bọn cướp à,” cô nói. “Vâng. Anh nghĩ là tất cả bọn cướp đều giống như Faramond Openmouth, là đều cướp con heo của anh sao?”
“Đúng,” Tom đáp, mặc dù ông muốn nói là tôi chẳng bao giờ nghĩ ra được một phụ nữ đẹp như vậy mà làm kẻ cướp cả. Không nén được tò mò, ông hỏi: “Vậy cô bị buộc tội gì?”
“Tôi nguyền rủa một tên linh mục,” cô nói, nhìn đi chỗ khác.
Đối với Tom, có vẻ như đó không phải là một cái tội đáng trừng phạt như có lẽ vị linh mục ấy rất quyền lực hoặc là rất nghiêm khắc; hoặc có lẽ Ellen đơn giản là không muốn nói ra sự thật.
Ông nhìn Martha. Chỉ chốc sau cô bé mở mắt nhưng tỏ vẻ rối trí và có chút sợ sệt. Agnes quỳ xuống bên cô. “Con không sao đâu,” bà nói. “Chẳng có chuyện gì hết.”
Martha ngồi thẳng dậy rồi nôn mửa một chút. Agnes ôm cô bé cho đến khi cơn co thắt của cô bé dịu đi. Tom rất ấn tượng: Ellen đoán đúng phóc và xem chừng cô rất đáng tin. Ông nhẹ người và có chút ngạc nhiên về cái cảm giác mạnh mẽ bùng phát bên trong ông. Mình không thể chịu nổi nếu mất đứa con bé bỏng này, ông nghĩ vậy; và ông phải gườm lại dòng nước mắt chực trào ra. Ông bắt được ánh mắt cảm thông của Ellen và một lần nữa, ông cảm thấy ánh mắt vàng nhạt đó có thể xuyên thấu tim can ông.
Ông bẻ một cành sồi nhỏ, vuốt hết lá rồi dùng đám lá ấy lau mặt cho Martha. Cô bé vẫn trông nhợt nhạt lắm.
“Cô bé cần nghỉ một chút,” Ellen nói. “Để cho bé nằm khoảng độ đi bộ năm cây số.”
Tom liếc nhìn mặt trời. Ngày còn dài. Ông ngồi chờ. Agnes vỗ nhè nhẹ vào cánh tay Martha. Cậu bé Jack nhìn chòng chọc vào bà với ánh mắt đần đần, căng thẳng. Tom muốn biết thêm về Ellen. Ông tự hỏi liệu mình có thể thuyết phục cô ta kể thêm về câu chuyện của cô hay không. Ông không muốn cô bỏ đi. “Mọi chuyện là thế nào?” ông hỏi cô kiểu vu vơ.
Một lần nữa, cô nhìn thẳng vào mắt ông, rồi bắt đầu kể.
Cô kể cha cô từng là một hiệp sĩ; một người đàn ông to khoẻ, mạnh mẽ, muốn mấy đứa con trai của ông có thể cưỡi ngựa, săn bắn, đấu vật và cùng ông chè chén thâu đêm. Nhưng ông không phải luôn may mắn khi sinh ra Ellen, sau đó vợ ông mất; ông tái hôn nhưng người vợ kế không thể sinh nở được. Ông coi thường bà vợ kế của Ellen, thậm chí đuổi bà ta đi. Ông là một người đàn ông rất thô lỗ, nhưng chưa bao giờ tỏ lộ điều ấy với Ellen, là đứa con luôn tôn sùng cha mình và cùng có ý coi thường vợ kế của cha. Khi bà vợ kế ra đi, Ellen ở lại và lớn lên trong ngôi nhà toàn đàn ông. Cô cắt tóc ngắn và vắt dao găm bên người, cố tình không chơi đùa với mấy con mèo hay dỗ dành mấy con chó già bị mù. Khi cô bằng tuổi Martha bây giờ, cô có kiểu tác phong rất “nam tính” như phun bãi nước bọt xuống đất, ăn hột táo và đá vào bụng con ngựa khiến nó phải thở hộc lên để cô siết thêm được một nấc đai ngựa nữa. Cô biết không phải tất cả đàn ông không về phe cha cô đều bị gọi là mấy tên liếm gót hay mọi đàn bà không đi với đám đàn ông bên ngoài đó bị gọi là gái điếm, cho dù cô không chắc là phải hay không; cô không mấy quan tâm, mấy điều như vậy có nghĩa lý gì đâu.
Nghe câu truyện cô kể bằng một giọng điệu nhè nhẹ như thoang thoảng trong chiều thu, Tom nhắm mắt lại để mường tượng ra một cô gái nhỏ nhắn, ngực chưa trổ với gương mặt còn lem luốc, ngồi trên chiếc bàn dài cùng mấy đồng đảng vạm vỡ của cha, uống thứ rượu mạnh, ợ lên rồi hát mấy bài ca chiến đấu, rồi vơ vét, rồi hãm hiếp, nào ngựa, nào nhà cửa lâu đài, nào trinh nữ, cho đến khi cô thiếp đi, gục đầu xuống mặt bàn xù xì.
Nếu như ngực cô chưa “trổ” thì cuộc sống cô còn đẹp biết bao. Nhưng cũng đến lúc mà đám đàn ông không thể không để ý đến những gì khác biệt nơi một cơ thể được. Họ không còn cười hô hố khi cô nói: “Biến đi, không tao cắt hết bi tụi bây cho heo ăn bây giờ.” Vài đứa trong đám nhìn cô chòng chọc khi cô cởi chiếc áo chẽn bằng len, chỉ mặc chiếc áo lá dài khi ngủ. Đám đàn ông buộc phải đi vào rừng để ngủ, điều mà bọn chúng chưa phải làm bao giờ trước nay.
Một bữa nọ, cô thấy cha mình nói chuyện rất chăm chú với ông mục sư trong xứ, là điều rất hiếm khi xảy ra. Cả hai người này đều hướng mắt nhìn về phía cô như thể họ đang nói gì đó về cô. Và sáng ngày hôm sau, cha cô nói với cô rằng: “Con đi với Henry và Everard, làm những gì họ bảo.” Rồi ông hôn lên trán cô. Cô tự hỏi chuyện quái gì đang xảy ra với cha cô vậy, ông ấy càng già càng yếu đuối hay sao? Cô thắng yên con ngựa xám lớn, không chịu cưỡi mấy con ngựa nhỏ dành cho đám đàn bà con gái hay loại ngựa non chi dành cho con nít, rồi cô lên đường cùng với hai tuỳ tùng trang bị vũ khí.
Họ đưa cô đến một dòng nữ tu rồi để cô lại đó.
Khi hai tên hộ vệ bỏ đi, cô hét lên chửi rủa cái nơi tồi tệ, bẩn thỉu mà mình vừa đặt chân đến này. Cô rút dao đâm bà trưởng tu viện và vùng vằng đi bộ về nhà cha cô. Ông gửi cô trở lại, trói tay và chân cô chặt vào yên con lừa. Họ tống cô vào nơi giam giữ như là một hình phạt cho đến khi vết thương của bà trưởng tu viện lành lại. Phòng giam lạnh lẽo, ẩm ướt và tối như mực, nước thì có những chẳng có gì để ăn. Khi họ thả cô ra, cô lại đi bộ về nhà một lần nữa. Cha cô lại gửi trở về tiếp, và lần này, cô bị đánh đòn trước khi bị cho vào nhà giam.
Dĩ nhiên, cuối cùng họ cũng khuất phục được cô. Cô phải tập làm quen với lề thói sinh hoạt của kẻ mới bước vào nhà dòng, tuân thủ các luật lệ tại đây và học cách cầu nguyện, thậm chí trong tim cô ghét cay đắng mấy bà xơ, xem thường những vị thánh và không tin vào bất kỳ điều gì mà người ta nói với cô về các điều răn của Chúa. Nhưng cô học đọc và viết, cô thành thục âm nhạc, toán học và vẽ. Cô còn học được cả tiếng La tinh, tiếng Pháp bên cạnh tiếng Anh. Thế nên cuối cùng thì cuộc sống trong dòng tu không thực sự tệ lắm. Môi trường ấy hoàn toàn chỉ có một giới nên có những luật lệ và những lễ nghi riêng, và đó chính xác là thứ mà cô từng quen thuộc. Mọi nữ tu đều phải lao động chân tay, và Ellen sớm nhận ngay được công việc ở chuồng ngựa. Và lâu sau đó cô được giao trọng trách quản lý chuồng ngựa.
Cái đói nghèo chưa bao giờ khiến cô lo lắng. Với cô, việc tuân lời không phải là điều dễ dàng cô chấp nhận được nhưng cuối cùng cô cũng làm được. Giới luật thứ ba là giữ gìn sự trong trắng chưa bao giờ khiến cô băn khoăn, bất kể bà trưởng tu viện thế nào, cô sẵn lòng giới thiệu cho một trong những ai mới vào dòng tu những khoái cảm của…
Agnes cắt mạch kể của Ellen ngay khúc này, rồi đem Martha theo bà đi tìm dòng suối để rửa mặt cho cô bé và chùi vết bẩn trên quần áo. Bà cũng dẫn theo Alfred để phòng ngừa mặc dù bà sẽ không đi đâu xa ra khỏi tầm nghe được. Jack đứng lên và đi theo, nhưng Agnes nhấn mạnh nó phải ở lại, và có vẻ như nó hiểu được vì nó lại ngồi xuống. Tom nhận thấy Agnes đã thành công khi không muốn cho chúng tiếp tục nghe thêm câu truyện có vẻ nghịch đạo và không mấy đứng đắn này, trong khi đó bà để Tom ở lại.
Ellen tiếp, một ngày nọ, con ngựa nhỏ của bà trưởng tu viện bị què lúc bà ta cách tu viện vài ngày đi đường. Dòng tu Kingsbridge gần đó nên bà trưởng tu viện mượn một con ngựa khác ở dòng tu để về. Sau khi về được, bà bảo Ellen đem trả con ngựa mượn cho dòng tu và mang con ngựa què về.
Ở đó, trong chuồng ngựa của dòng tu nhìn ra thấy ngôi nhà thờ Kingsbridge cổ đến nỗi như sắp đổ sập, Ellen gặp một gã trai trẻ. Hắn trông có nét, tỏ ra kiêu ngạo và có cái mũi khoằm, nhưng hắn lại nhu nhược, sợ sệt khi đụng chuyện. Khi cô nói với hắn, hắn không hiểu. Cô cố nói tiếng La tinh nhưng hắn không phải thầy tu. Cuối cùng, cô nói tiếng Pháp và mặt hắt tỏ ra hớn hở, rồi đối đáp lại bằng thứ tiếng ấy.
Ellen không bao giờ quay lại tu viện của cô nữa. Từ hôm đó, cô sống trong rừng, đầu tiên là trong ngôi nhà sơ sài bằng cành và lá cây, sau này là trong một cái hang khô. Cô không bao giờ quên những kỹ năng của cánh đàn ông mà cô học được khi còn ở với cha: cô có thể săn nai, bẫy thỏ, dùng cung bắn ngỗng; cô có thể lóc ruột và làm sạch thịt rồi nấu ăn; thậm chí cô còn biết cách lột da, vá mấy lỗ thủng trên da để làm quần áo. Cũng tựa như trò chơi, cô ăn trái cây rừng, hạt rừng và rau củ. Còn những thứ khác cô cần đến như muối, quần áo len, một chiếc rìu và một con dao mới, thì cô mới đi ăn trộm.
Nhưng khoảng thời gian tệ hại nhất là khi Jack ra đời.
Nhưng còn gã người Pháp thì thế nào? Tom muốn hỏi câu đó. Hắn có phải là cha của Jack không? Nếu vậy, hắn chết lúc nào? Chết thế nào? Nhưng ông nhận ra trên vẻ mặt cô không muốn kể câu truyện đó, và cô cũng có vẻ là loại người không dễ bị thuyết phục, nên ông vẫn giữ câu hỏi ấy lại cho mình.
Lúc ấy, cha cô mất và đám đồng đảng của ông cũng rã nhóm, nên cô không còn ai thân thích hay bạn bè gì trên đời nữa. Khi Jack gần ra đời thì cô đốt một đống lửa thật lớn trước cửa hang để nó có thể cháy suốt đêm. Cô chuẩn bị sẵn thức ăn và nước, có cả cung và mũi tên, dao để xua đuổi bọn chó sói và chó dại; thậm chí cô còn có cả một chiếc áo choàng màu đỏ lớn, ăn cắp được của một ông giám mục, để choàng cho đứa bé. Nhưng thứ cô không chuẩn bị là cơn đau và nỗi sợ khi sinh. Trong một thời gian dài, cô nghĩ mình sẽ chết. Dù vậy, đứa bé cũng được sinh ra mạnh khoẻ, và cô vẫn sống sót.
Ellen và Jack sống một cuộc sống đơn giản, tiết kiệm trong vòng mười một năm ròng. Khu rừng đã cho họ mọi thứ họ cần, miễn là họ cẩn thận trữ lại đủ táo, hạt cây, thịt nai muối hay xông khói để sống sót qua những tháng mùa đông. Ellen thường nghĩ nếu trên đời này không có vua, không có lãnh chúa, giám mục hay quận trưởng thì mọi người đều có thể sống như cô và hoàn toàn hạnh phúc. Tom hỏi cô làm cách nào để cô chống lại mấy kẻ lang thang như Faramond Openmouth. Ông tự hỏi chuyện gì xảy ra nếu họ mò tới hang của cô ban đêm rồi cố cưỡng hiếp cô? Bỗng ông nhói lên suy nghĩ đó mặc dù ông chưa bao giờ khiến một phụ nữ phải khó xử, ngay cả với vợ ông cũng vậy.
Những kẻ lang thang sợ Ellen, cô nói với ông như vậy, rồi nhìn thẳng vào ông với cặp mắt lợt lạt nhưng lấp lánh, và ông biết tại sao: họ nghĩ cô là một phù thuỷ. Khi một ai tuân thủ luật pháp đi qua khu rừng, người đó hiểu là mình có thể cướp, hãm hiếp và giết hại một kẻ lang thang mà không sợ bị hình phạt nào, và Ellen chỉ việc né những kẻ ấy ra mà thôi. Nhưng tại sao cô lại không núp đi khi thấy Tom? Bởi vì cô thấy một đứa trẻ đang bị thương và muốn giúp nó. Vì cô cũng có một đứa trẻ.
Cô dạy Jack mọi thứ mà cô học được từ cha về vũ khí và săn bắn. Sau đó cô dạy nó tiếp mọi thứ cô học được từ mấy bà xơ: đọc, viết, âm nhạc, toán, tiếng Pháp, tiếng La tinh, làm thế nào để vẽ, thậm chí kể những câu truyện trong Kinh Thánh cho Jack. Cuối cùng, trong những buổi chiều mùa đông dài, cô cũng đã truyền thụ nốt những kiến thức của gã người Pháp cho cậu bé, là người biết rất nhiều mẫu truyện, thơ và bài hát hơn bất kỳ ai trên đời…
Tom không tin Jack có thể đọc và viết. Tom mới chỉ có thể viết tên của ông cộng thêm vài chữ mà thôi, như là xu, thước, giạ; rồi Agnes là con gái của một vị mục sư, cũng chỉ có thể biết được hơn như thế một chút và bà viết còn chậm, khi viết phảidufng lưỡi đánh vần từng từ; còn Alfred không viết được một từ nào và may ra chỉ có thể đọc được tên của mình; còn Martha thì không làm được gì cả. Liệu có thể một đứa bé như thế còn sáng chữ hơn cả gia đình của Tom?
Elen bảo Jack viết thứ gì đó ra, rồi cậu bé gạt phẳng một khoảng trống dưới đất và nguệch ngoạc vài chữ. Tom nhận ra chữ đầu tiên là Alfred nhưng không thể biết được mấy chữ còn lại, ông cảm thấy mình thật ngu dốt; rồi Ellen đỡ lấy cái xấu hổ ấy của ông bằng cách đọc lớn toàn bộ mấy chữ ấy: “Alfred lớn hơn Jack.” Sau đó, cậu bé vẽ ra hai hình người, một hình lớn, một hình nhỏ. Dù cả hai hình đó trông rất sơ sài nhưng hình người lớn thì có bờ vai rộng, thân lớn còn hình kia nhỏ nhắn, miệng cười. Chính Tom từng xem mình là người có tài vẽ phác thảo nhưng ông cũng cảm thấy xấu hổ khi nhìn vào cái đơn sơ mà đầy tính mô phạm trong hai hình vẽ được nguệch ngoạc trên nền đất ấy.
Nhưng có vẻ đứa trẻ đó là thằng đần.
Về sau, Ellen bắt đầu nhận rõ điều ấy. Cô thú nhận như vậy, đoán được ý nghĩ của Tom. Jack chưa bao giờ có đứa bạn đồng trang lứa nào, thậm chí là chỉ quen một người nào đó khác, ngoại trừ chính mẹ của cậu bé, và kết quả là cậu bé lớn lên giống như một con thú hoang. Mọi thứ mà cậu bé học được không thể giúp cậu biết cách đối xử với người khác như thế nào cho phải lẽ. Đó là lý do tại sao cậu cứ im lặng, trừng trừng mắt nhìn và nhe răng gầm gừ.
Khi cô nói ra điều này, lần đầu tiên cô trông có vẻ đáng thương. Cái cảm giác tự chủ không thể lay chuyển được của cô bỗng tan biến và Tom thấy cô vừa khốn khó, vừa tuyệt vọng. Vì Jack mà cô cần hoà nhập lại với cộng đồng. Nhưng làm thế nào? Nếu cô có một người đàn ông thì cô có thể thuyết phục một lãnh chúa nào đó cấp đất cho cô cày cấy, như cô có thể nói dối rằng mình vừa tha phương trở về từ Jerusalem hay Santiago de Compostela. Có vài phụ nữ làm nông nhưng họ thường là quả phụ có con cái đều trưởng thành. Không lãnh chúa nào mà lại cấp đất cho một phụ nữ có đứa con nhỏ cả. Không ai thuê mướn cô làm nhân công trong cái trấn này, hay trong khắp vùng này; rồi nữa, cô không có nơi nào để sống và những công việc không cần nhiều kỹ năng chuyên môn thì lại hiếm khi nào được cấp nơi ăn chốn ở. Cô không có gì xác minh nhân thân cả.
Tom cảm thông với cô. Cô cho đứa con mình mọi thứ có thể, nhưng điều ấy vẫn chưa đủ. Còn cậu bé lại không thấy được gì khác ngoài mẹ mình. Mặc dù cô đẹp, tháo vát và dữ dội nhưng cô lại như bị giam lỏng trong rừng với đứa con lạ kỳ của mình.
Agnes, Martha và Alfred quay trở lại. Tom lo lắng nhìn Martha nhưng cô bé tỏ ra như thể không có chuyện gì xảy ra cả khi đã rửa mặt xong. Trong thoáng chốc, Tom lại nghĩ đến vấn đề của Ellen nhưng bây giờ ông nhớ lại chính tình cảnh của mình lúc này: ông không còn việc làm và con heo của gia đình lại bị mất. Buổi chiều đang đến. Ông rục rịch nhặt những món đồ còn lại lên vai.
Ellen nói: “Anh định đi đâu thế?”
“Winchester”, Tom đáp. Winchester có một lâu đài, một cung điện, vài ngôi nhà thờ và quan trọng hơn là có một ngôi thánh đường lớn.
Ellen nói: “Salisbury gần hơn. Lần cuối tôi ở đó thì họ đang xây lại một ngôi thánh đường, làm cho nó lớn hơn.”
Tim của Tom như trống vỗ. Đây là điều mà ông đang trông tìm. Chỉ khi ông có được việc làm xây thánh đường thì ông tin mình mới có thể trở thành chủ thầu được. “Salisbury đi đường nào?” ông háo hức hỏi.
“Đi ngược lại, khoảng năm hay sáu cây số. Anh có nhớ có cái ngã ba giữa đường không, ở khúc đó anh đã đi theo hướng bên trái ấy?”
“Có, gần đó có cái hồ bẩn.”
“Đúng rồi. Hướng bên phải là đến Salisbury.”
Họ gom đồ đạc. Agnes không thích Ellen nhưng cố nói tử tế: “Cảm ơn cô giúp chúng tôi chăm cho Martha.”
Ellen mỉm cười và nhìn đăm chiêu khi họ đi khỏi.
Khi họ đi được vài phút, Tom ngoái nhìn. Ellen vẫn nhìn theo họ, đứng ngay trên đường, hai chân dang rộng, một tay che nắng cho mắt, đứa bé lạ kỳ đứng bên cạnh. Tom vẫy tay và cô vẫy lại.
“Đúng là một phụ nữ thú vị,” ông nói với Agnes.
Agnes không nói gì.
Alfred nói: “Thằng bé đó quả là lạ kỳ.”
Họ đi dưới ánh mặt tròi mùa thu dịu mát. Tom tự hỏi Salisbury hình hài như thế nào: ông chưa bao giờ đến đó. Ông rất phấn chấn. Dĩ nhiên giấc mơ xây một ngôi thánh đường mới từ đầu luôn ẩn náu trong ông nhưng có vẻ điều ấy khó mà xảy ra được: dễ tìm một ngôi nhà cũ rồi tái thiết nó, hoặc mở rộng nó, hoặc xây lại một phần nào đó. Như vậy là cũng tốt lắm rồi, miễn là cuối cùng người ta cho ông thiết kế cái gì đó.
Martha nói: “Tại sao ông đó đánh con?”
“Bởi vì hắn muốn cắp con heo,” Agnes đáp.
“Ông ấy có thể nuôi riêng một con heo mà,” Martha bực tức nói, như thể cô bé chỉ chợt nhận ra kẻ lang thang ấy vừa làm điều gì sai.
Tom chợt nghĩ vấn đề của Ellen có thể được giải quyết nếu cô có một nghề nào đó. Thợ nề, thợ mộc, dệt vải hay thuộc da, ông không thể đặt cô ấy vào vị trí của mình được. Ông có thể đi đến một thị trấn nào đó để kiếm việc. Trong thị trấn thường có vài phụ nữ có nghề thủ công nhưng họ thường là vợ hoặc quá phụ có chồng là thợ thủ công. Tom nói lớn “Thứ mà cô ấy cần là một người chồng.” Agnes đáp gọn lỏn: “Đúng, nhưng không phải là chồng của ta.”
đang làm tiếp :), chờ nhé!