Tokyo đặt người nội trợ vào thế khó

Phụ nữ Nhật từ lâu không được khuyến khích đi làm, nay lại có cơ hội mới.

Hệ thống thuế má của Nhật từ lâu như muốn gửi thông điệp tới vai trò lý tưởng của phụ nữ là "hãy ở nhà". Nhưng nay, chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách thuế nhằm hướng đến việc đưa phụ nữ vào công sở nhiều hơn. Đây có thể xem là một kế hoạch làm xáo trộn cho cả 2 cộng đồng: phụ nữ đang đi làm và giới nội trợ, mà cả hai cộng đồng này đang tận hưởng những lợi ích từ chính sách cũ.
Chiến lược phát triển của thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe, còn có tên gọi là "nền kinh tế Abe", đã khơi gợi lại suy nghĩ nghiêm túc nhất trong nhiều thập kỷ qua với người Nhật, là tạo ra vai trò lớn hơn cho phụ nữ đảo quốc này ở mọi cấp bậc công việc.
Các nhà làm luật được chỉ định đưa ra những cải cách về thuế trong phiên thảo luận Quốc hội Nhật vào đầu tháng tới.
Theo văn phòng nội các Nhật, trong khi có khoảng 70% phụ nữ Nhật ở độ tuổi từ 25 đến 44 ít nhất là làm việc dạng thời vụ thì những vị trí quản lý cấp cao tại các công ty, tập đoàn lớn và trong bộ máy chính phủ Nhật có đến 90% là nam giới. So với Mỹ, theo nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Catalyst, phụ nữ chiếm đến 15% vị trí quản lý cấp cao trong danh sách Fortune 500 công ty.
Hệ thống thuế và trợ cấp của Nhật từ những năm 1960 luôn hướng đến gia đình, mà trong đó đề cập vai trò lãnh đạo của người nam nhiều hơn người vợ, mà luật gọi là "người phụ thuộc", bất kể người nữ làm nội trợ toàn thời gian hay làm việc bán thời gian bên ngoài để hỗ trợ thu nhập cho chồng.

Japanese housewifes
Chính sách thuế và trợ cấp của Nhật trước đây khuyến khích phụ nữ ở nhà, nhưng sắp đến có thể sẽ thay đổi.

Khi thu nhập của người phụ thuộc đạt mức tối đa khoảng 1,03 triệu yên (khoảng 10.000 đô la Mỹ) thì thu nhập chính của gia đình sẽ mất một khoản khấu trừ thuế nào đó. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng thu lợi từ chính sách ưu đãi gia đình như vậy khi thu nhập của người vợ nhân viên vượt quá mức đó.
Tiếp đến là mức "bức tường 1,3 triệu yên". Nếu đạt đến mức thu nhập đó (khoảng 13.000 đô la) thì người phụ thuộc có thể nhận được tiền trợ cấp mà không phải trả phí gì cho chính phủ. Theo các nhà sửa đổi luật, bức tường này sẽ không khuyến khích phụ nữ làm toàn thời gian để có được hưởng mức lương cao hơn.
Hồi cuối tháng 6 rồi, chiến lược phát triển mới nhất của ông Abe có một đề xuất quân bình thuế và hệ thống trợ cấp mới, tránh tác động đến quyết định của người dân về mức độ công việc mà người dân muốn đóng góp.
Trong khi chưa có điều chỉnh cụ thể nào được chính thức thông qua thì một nhóm 10 nhà làm luật vừa đề xuất bỏ đi 2 "bức tường" thu nhập 1,03 triệu yên và 1,3 triệu yên một năm bây lâu nay Nhật đang áp dụng. Nhóm này cũng đưa ra ý kiến thu phí khoảng 30 đô la/tháng cho quỹ trợ cấp đối với người phụ thuộc nào không trả bất cứ phí gì với hệ thống thuế hiện nay.
Bà Yukari Ishihara, có con 2 tuổi, làm việc tại phòng y tế trong một trường học, kiếm được hơn 1,6 triệu yên mỗi năm. Bà cho biết bà ủng hộ ý tưởng chính phủ xem xét lại hệ thống thuế và trợ cấp. Với vai trò là một người mẹ đi làm, bà cảm thấy bất công khi người nội trợ lại có nhiều quyền lợi hơn phụ nữ đi làm.
Nhưng kế hoạch này sẽ khiến giới phụ nữ muốn tập trung nhiều cho gia đình trở nên lo lắng. Mayuko Jujii, bà mẹ có 3 đứa con, từng đi làm toàn thời gian, cho biết vừa làm mẹ vừa đi làm rất khó, và bà luôn ganh tị với chính sách xã hội dành cho người nội trợ. Từ đó, bà bỏ việc và làm nội trợ cách nay được 2 năm và hy vọng chính phủ sẽ không thay đổi quyền lợi đối với người nội trợ.
"Phần lớn phụ nữ lập gia đình đều được hưởng lợi từ hệ thống hiện thời, và họ đều cảm thấy phấn chấn vì điều ấy. Họ cho rằng họ muốn dành nhiều thời gian cho con cái và chính sách lâu nay cho họ một thu nhập an toàn để thực hiện mong ước đó," bà Hiroko Ogiwara, tác giả vài cuốn sách về tài chính cá nhân cho phụ nữ, cho biết.
Đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền của ông Abe cũng bày tỏ quan ngại nếu thay đổi chính sách này. Trong kỳ bầu cử năm ngoái, đảng này vẫn duy trì, ủng hộ chính sách khấu trừ cho người chồng có vợ làm nội trợ, ghi rõ trong đường lối của đảng là "trợ giúp qua lại trong gia đình".
Theo dữ liệu của bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật, có hơn 70% nhân viên Nhật làm việc bán thời gian đều bị giới hạn về thu nhập để hưởng lợi từ thuế và tiền trợ cấp. Đến nay, tỉ lệ phụ nữ Nhật lập gia đình trễ hoặc không lập gia đình đang tăng cao. Trình độ học vấn của phụ nữ Nhật cũng cao hơn trước và thu nhập tính theo gia đình cũng tăng rất nhanh.
Vài phụ nữ Nhật cho biết việc thay đổi hệ thống thuế tự thân nó sẽ không mở ra cánh cửa nào rộng hơn để phụ nữ có được quyền bình đẳng trong công việc so với nam giới. Ở nhiều công ty, làm việc quá giờ và chè chén với đồng nghiệp sau giờ làm như là thói quen bắt buộc, khiến phụ nữ khó đạt được tính cân bằng trong công việc và gia đình.
Rieko Tokunaga, bà mẹ với 2 con nhỏ, hiện đang làm bán thời gian để thu nhập của bà vẫn ở mức thấp, đủ cho chồng có thể nhận được tiền khấu trừ thuế và công ty được hưởng lợi từ gia đình. "Không thể làm việc tại công ty nhiều hơn được cho dù người nội trợ có muốn đi chăng nữa", bà cho biết.
Chính phủ Mỹ cũng từng vật lộn nhiều năm ròng với các vấn đề về thuế và cấu trúc gia đình. Hồi năm 2001, Quốc hội Mỹ giảm "phí kết hôn" để khuyến khích nhiều cặp đôi sống chung, có 2 nguồn thu, thành vợ chồng.
Bà Yoko Takeda, nhà kinh tế tại viện nghiên cứu Mistsubishi, cho biết các công ty, doanh nghiệp có thể giúp tăng nhanh quá trình này bằng cách bỏ những lợi ích cho người phụ thuộc và sử dụng tiền để nâng lương. Điều đó sẽ có lợi về nhiều mặt, hơn là cứ cản người nữ đóng góp nhiều hơn cho xã hội.