Thương mại điện tử - kiềng ba chân

Amazon và Ebay chắc chắn không thể ngồi yên khi Alibaba đang phà hơi nóng sau gáy họ.

Năm 1995, Jack Ma lúc ấy 31 tuổi, thầy giáo tiếng Anh sống ở Hàng Châu, Trung Quốc, vừa mở công ty dịch thuật và có một chuyến đi tới Seatle, Mỹ. Một người bạn tại đó cho ông Ma thấy chiếc máy tính cá nhân của mình và chỉ ông làm thế nào để lướt web. Ma gõ vào từ tìm kiếm "Chinese" và "beer", kết quả chẳng có gì. Từ đó, ông mường tượng ra được một nền thương mại toàn cầu sẽ rất khác đi nếu trang web của một công ty bia Trung Quốc nào đó hiện ra trên bảng kết quả tìm kiếm.
Khi ông Ma trở về Hàng Châu, thành phố 2,4 triệu dân ở phía Đông Trung Quốc, ông bắt đầu làm một danh mục trực tuyến tên là China Pages. Ông công bố danh mục này vào thời điểm có vài PC thương hiệu Trung Quốc có khả năng truy cập Internet. Nhưng ông thất bại. Không nản, ông tiếp tục một ý tưởng lớn hơn. Cuối năm 1998, Ma và 17 cộng sự bắt tay làm một trang web giúp các doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm trực tuyến. Họ đặt tên trang web ấy là Ali Baba, là tên người tiều phu nghèo phát hiện được kho báu trong tập truyện thần thoại *Đêm Ả Rập* nổi tiếng.
Công ty mà ông Ma mở ra, từ một căn hộ một phòng ngủ nay đã trở thành một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, ở một quốc gia đông dân nhất thế giới. Vào mùa thu này, Alibaba Group Holdings sẽ lên sàn chứng khoán New York. Theo Bloomberg News, công ty có thể nâng đến 20 tỉ đô la Mỹ, là mức cổ phiếu cao nhất trong lịch sử Mỹ. Ước tính sở hữu của ông Ma chiếm 12,5 tỉ đô la, tương đương 8,9% giá trị công ty. Không chỉ hướng đến thị trường ngoài nước, IPO của Alibaba muốn nói cho thế giới biết rằng doanh nghiệp web Trung Quốc đang định vị họ cũng là đối thủ cạnh tranh trong thị trường trực tuyến toàn cầu một cách nghiêm túc.

Jack ma 1 e1395247339497
CEO Alibaba, ông Jack Ma.

Có thể Alibaba muốn thể hiện mình cũng có thể hội nhập với lối kinh doanh hướng đến người tiêu dùng kiểu Âu Mỹ. Một Alibaba tài chính mạnh mẽ sẽ có thể bành trướng thị trường, tái xác lập lại thế cân bằng về quyền lực trên Internet. Tập trung nhiều vào giao dịch chứng khoán vào/ra Trung Quốc, doanh nghiệp này cũng hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho thương mại xuyên biên giới bằng cách bỏ qua đối tác trung gian và loại bỏ khả năng chính phủ các nước can thiệp quá sâu vào thương mại. Về phía người dùng, sẽ không còn Ebay hay Amazon nữa mà họ có thêm chọn lựa mới không kém hấp dẫn.
So với các công ty thương mại điện tử tại Mỹ, doanh thu 8 tỉ đô la của Alibaba trong năm 2013 không phải là lớn (năm ngoái doanh thu Ebay là 16 tỉ đô la và Amazon 75 tỉ đô la). Nhưng co số ấy có thể chưa phản ánh đúng vì nó mới chỉ đại diện cho hoa hồng về bán hàng và phí dịch vụ của họ. Thước đo tốt nhất về năng lực của Alibaba là số lượng hàng hoá họ bán ra, đạt 248 tỉ đô la trong năm 2013. Nếu dựa trên chỉ số này, Amazon chỉ đạt được một nửa và Ebay đạt 1/3 so với Alibaba. Hoặc chúng ta có thể nhìn theo góc khác: năm ngoái, Alibaba có 5 tỉ gói hàng từ các giao dịch trên các trang web bán lẻ của họ, chiếm hơn một nửa tổng số kiện hàng của các công ty giao nhận Trung Quốc. Trong khi, công ty giao nhận UPS năm ngoái có đạt 4,3 tỉ kiện hàng.
Với nhiều thị trường và nhiều mô hình kinh doanh, kèm với đó là "máu kinh doanh" sẵn sàng thâm nhập vào bất kỳ thị trường nào, Alibaba là công ty đầy tham vọng. Không như Amazon và Ebay chỉ tạo ra các trạm trực tuyến đơn lẻ rồi mở rộng phiên bản ấy ra cho nhiều khu vực khắp thế giới thì ông Ma và cộng sự đã thành công trong việc tạo ra vài trang web khác nhau, mỗi trang lại có một kiểu giao dịch khác nhau tuỳ theo mỗi thị trường.
Alibaba.com là địa chỉ "gốc" của Alibaba, kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với các doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu. Các công ty như nhà bán lẻ mỹ phẩm 100% Pure (Mỹ) sử dụng Alibaba.com để thu mua nguồn nguyên liệu chính và đóng gói giao cho các nhà phân phối. Bà Susie Wang, đồng sáng lập 100% Pure cho biết nếu không có Alibaba, mỗi năm bà phải bay sang Đài Loan và Trung Quốc vài lần để gặp các nhà cung cấp.
Taobao là chợ trực tuyến có giao diện tiếng Trung quan thoại, xuất hiện hồi năm 2003, với mục đích cạnh tranh trực tiếp với Ebay khi CEO Ebay, bà Meg Whitman, chi 200 triệu đô la để xâm nhập vào thị trường bán lẻ trực tuyến Trung Quốc, trong đó có việc mua lại công ty địa phương Eachnet. Lúc ấy, ông Ma ví von "Ebay như con cá mập giữa biển khơi, còn chúng tôi là con cá sấu trên nhánh sông Trường Giang. Nếu chúng tôi cạnh tranh giữa biển khơi, chúng tôi sẽ thua, nhưng trên sông, chúng tôi sẽ thắng." Vì thế, ông cân chỉnh các trang web trực tuyến phù hợp nhất cho thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, do người bán Trung Quốc thường lấy "số lượng bù chất lượng" nên tiền lời trên mỗi sản phẩm rất thấp, nên ông Ma không tính phí hiển thị sản phẩm trên trang web, khác với Ebay thu ở mức phí chuẩn là 15%. Alibaba quyết định chỉ thu tiền khi người bán chọn quảng cáo sản phẩm bằng banner và quảng cáo tìm kiếm, và sau này thêm vào tính phí khi sử dụng các công cụ thanh toán của Alibaba. Chiến lược này thành công. Doanh số bán của Taobao bùng nổ, trở thành mảng kinh doanh chính của Alibaba, còn Ebay hậm hực và than trách các chính sách bảo hộ của Trung Quốc, và phải rút ra khỏi thị trường này năm 2006.
Trang Taobao bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, có cả cho thuê bạn đồng hành khi ai đó muốn có người đi chung với mình đến đâu đó. Mặc dù hầu hết giao dịch trên Taobao đều qua các nhà bán buôn Trung Quốc nhưng trang web này cũng có vài khách hàng ngoài nước như từ Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Đô và Mông Cổ.
Tmall là trung tâm shopping ảo của Alibaba mở ra hồi năm 2008, cho hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nike và Apple, dễ dàng tiếp cận khách hàng Trung Quốc, với mức phí 5% giá trị mặt hàng. Đăng hàng trên Tmall có thể thay đổi cả chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, như cửa hàng bán lẻ giày dép Sneakerhead.com (Mỹ) mất 13 năm ròng để đạt được doanh thu hàng năm trên 20 triệu đô la. Nhưng chỉ hơn 2 năm khi đặt gian hàng trên Tmall, cửa hàng này đạt gấp đôi lượng sản phẩm bán ra mà không phải đi qua những con đường nhập khẩu và phân phối kiểu truyền thống vào thị trường Trung Quốc.
Sợi chỉ nối liền mọi sản phẩm, dịch vụ của Alibaba là Alipay, một hệ thống thanh toán trực tuyến không được liệt trong danh sách tài sản của Alibaba nhưng là một thành tựu tuyệt vời nhất của ông Ma. Đóng vai trò như một dịch vụ uỷ thác và đảm bảo cho mọi giao dịch, Alipay tạo được niềm tin trong cộng đồng trong nước mà trước nay người tiêu dùng không quen chi tiền cho ai chưa từng quen biết.
Về nội bộ công ty, ông Ma muốn nhân viên của mình làm việc như một điều gì đó giống với đội quân chiến đấu. Là người mê truyện kiếm hiệp Kim Dung, ông yêu cầu những nhân viên mới tuyển lấy một danh xưng nào đó theo các nhân vật trong các tiểu thuyết kiếm hiệp để giao tiếp trong công ty, và thậm chí in cả trên danh thiếp (ông Ma ở công ty có danh xưng là Phong Thanh Dương). Một cựu nhân viên và đối tác của Alibaba cho rằng công ty có nền văn hoá doanh nghiệp "từ trên xuống", mọi quyết định do ông Ma và 26 đồng sáng lập và giám đốc khác đưa ra. Nhân viên phải nhanh chóng làm theo những gì mà cấp trên chỉ đạo. Chính cấu trúc doanh nghiệp như vậy khiến Alibaba không được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong vì quy định ở đó không phù hợp với chính sách của công ty.
Định hướng của Alibaba nhắm về phía Tây địa cầu rất rõ ràng. Trong vài tháng qua, ông Ma đầu tư nhiều vào các công ty Âu Mỹ, như bỏ ra 250 triệu đô là cho dịch vụ chia sẻ thông tin giao thông Lyft, tài trợ 170 triệu đô la cho cửa hàng bán dụng cụ thể thao Fanatics, đầu tư 50 triệu đô la cho engine tìm kiếm di động Quixey.com và ứng dụng tin nhắn Tango... Ngày 31/7 vừa qua, Alibaba đầu tư 120 triệu đô la vào Kabam, nhà làm game trực tuyến; còn trước đó một ngày, công ty thương lượng với Snapchat để đầu tư cho dịch vụ này, và có thể nâng giá trị của Snapchat lên đến 10 tỉ đô la.
Những thương vụ đầu tư trên cho thấy Alibaba đang muốn tạo một mối ràng buộc với ngành công nghệ Mỹ, qua đó nhắm trực tiếp đến người dùng Mỹ, là đối tượng chi nhiều tiền trên mạng nhất hiện nay. Hồi tháng 6 vừa qua, Alibaba mở trang web 11 Main, bán thời trang, đá quý và tác phẩm nghệ thuật. Thành viên trang web này mới chỉ ở dạng khách mời, chưa công bố rộng rãi. Nhưng động thái ấy cho thấy Alibaba muốn cạnh tranh trực tiếp với Amazon và Ebay ở chính những sản phẩm thế mạnh của họ, cho người tiêu dùng Mỹ cơ hội mua được hàng hoá ngay từ ứng dụng di động và game, là điều mà Alibaba từng thành công tại Trung Quốc.
Tuy vậy, ông Ma chắc chắn có nhiều trở lực khi muốn vươn ra nước ngoài. Không chỉ phần lớn khách hàng nước ngoài chưa biết tiếng Alibaba mà khách hàng thường có thói quen mua hàng tại các trang web thân thuộc của họ mà thôi. Và như một số công ty Trung Quốc khác từng nếm trái đắng khi ra nước ngoài, như Huawei Technologies, cái "mác" Trung Quốc có thể khiến người dùng Âu Mỹ dè chừng.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ở phía chân trời. Người mua tiếp cận được nhiều cửa hàng trên toàn cầu. Tính cạnh tranh tăng cao hơn, và những công ty như Apple không thể áp đặt mức giá iPad cho Mỹ khác với iPad cho châu Âu nữa. Đó cũng là cơ hội cho các cửa hàng bán lẻ mở rộng đối tượng khách hàng ra phía bên kia bán cầu, nhà sản xuất tìm được nhiều "đầu mối" nhà cung cấp hơn, thế giới sẽ còn nhỏ hơn và "phẳng hơn".