Phong trào nuôi thú cưng ở Bắc Kinh

Không còn cấm cản nhiều như xưa vì lý do "Tây hóa", Bắc Kinh đang nổi lên phong trào nuôi thú cưng.

Trong suốt thời gian ở quân đội Mỹ, ông Dennis Schenk làm việc trong nhóm giải cứu bằng chó nghiệp vụ sau thảm hoạ. Kể từ đó, ông yêu loài động vật này và quyết định sự nghiệp của mình gắn bó với chó. Ông có được chứng chỉ huấn luyện chó nghiệp vụ của hai tổ chức quốc tế là Canine Professionals và Animal Behavior Consultant. Đến năm 2009, ông sang Trung Quốc. Đến nay, công việc của Dennis là đi khắp Trung Quốc, gặp khách hàng để huấn luyện chó của họ những động tác như đứng, ngồi và vài động tác cơ bản khác với giá 500 nhân dân tệ (khoảng 81 đô la Mỹ) mỗi giờ.
Hiện tại Trung Quốc đang nổi lên làn sóng người yêu chó mèo mới. Trước những năm 1980, nuôi chó mèo ở Bắc Kinh là bất hợp pháp bởi vì vật nuôi bị xem là tác động của giai cấp tư sản phương Tây. Đến những năm 1990 và đầu những năm 2000, ràng buộc này không còn chặt như trước nữa (nhưng Bắc Kinh vẫn giữ luật định về chiều cao tối đa cho chó được phép nuôi). Đến năm 2012, thành phố này có hơn 1 triệu người đăng ký nuôi chó và đến nay, theo Hiệp hội Thú cưng Bắc Kinh, tại đây có hơn 300 bệnh viện dành cho chó mèo. Trung Quốc trở thành thị trường thú cưng lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Brazil, là quê hương của 27 triệu chó nuôi và 11 triệu mèo nuôi.

Become a Dog Trainer Intro

Tư tưởng xưa vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Hồi đầu tháng 8, tờ Thời báo Nhân dân cho rằng những người nuôi thú cưng đang "bắt chước lối sống phương Tây". Ở vài thành phố Trung Quốc, những thú nuôi không được chăm sóc bị vất ra ngoài đường và báo chí địa phương ghi nhận cảnh sát đánh đập chúng đến chết.
Vào năm 2012, người nuôi thú cưng Trung Quốc chi đến 7,84 tỉ tệ cho chăm sóc thú cưng. Euromonitor ước tính con số đó sẽ tăng lên 64%, đạt đến 12,9 tỉ tệ vào năm 2017. Anh Silas Chen, 28 tuổi sống tại Bắc Kinh, vừa mới đăng ký một khoá huấn luyện cho chú chó 10 tháng tuổi của anh. "Tôi muốn giao tiếp được với chú chó của mình, cách dạy cho nó những thao tác hàng ngày. Bản chất tự nhiên của chó rất vô tư nên nếu chúng có làm điều gì bậy bạ thì lỗi thuộc về người nuôi chúng", anh cho biết. Một lợi ích khác khi dạy cho thú cưng những thao tác cơ bản hàng ngày là: tạo sự chú ý của phái nữ. "Nó đẹp trai hơn tôi nhiều", anh nói vui.

Tại Trung Quốc hiện có khoảng 27 triệu chó và 11 triệu mèo. Năm 2012, người nuôi thú cưng tại Trung Quốc chi đến 1,3 tỉ đô la tiền chăm sóc chúng.

Cửa tiệm Noble Pets ở Bắc Kinh bán nhiều thức ăn cho thú cưng, được nhập từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Canada và New Zealand. Chủ cửa hàng, anh Chen Zhiyi, cho biết khách hàng của anh lo ngại về an toàn thực phẩm và nhiều người tránh mua thức ăn thương hiệu Trung Quốc. Những sản phẩm phổ biến khác cho chó mèo như vòng da đeo cổ nhập khẩu từ Hàn Quốc (380 tệ) và dây dắt làm bằng tay, có nạm đá quý (1992 tệ). Trên lầu của cửa tiệm là studio chụp ảnh thú cưng với gói chụp ảnh trọn bộ giá 2580 tệ. Anh Chen cho biết chụp ảnh chó mèo khó hơn nhiều so với chụp ảnh cho người vì để có được tấm ảnh đẹp phải cần đến ai đó hiểu được chúng và giữ cho chúng bình tĩnh.
Tại Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh vai trò và điều trị thú cưng vì vẫn còn tồn tại hai luồng tư tưởng trái chiều xưa và nay. Miền nam thành phố Yulin vẫn tổ chức lễ hội thịt chó hàng năm (vào mỗi dịp hè) mà những năm gần đây người dân nơi đây bắt đầu phê phán chuyện ăn thịt chó. Những nhà hoạt động xã hội ở tổ chức phi lợi nhuận Animals Asia có trụ sở tại Hong Kong đặt vấn đề về tính hợp pháp của lễ hội này, còn những ngôi sao trẻ Trung Quốc nuôi thú cưng vì mục đích truyền thông xã hội. "Tôi không ăn thịt chó, và tôi cật lực phản đối thịt chó," diễn viên Trung Quốc Yang Mi, 27 tuổi, ngôi sao trogn bộ phim "Đại sư chia tay" hiện đang rất nổi tại Trung Quốc, đăng tải trên mạng Tencent Weibo.