Theo số liệu thống kê của tạp chí y khoa Medical Ethics vừa công bố, số lượng người đến Thụy Sỹ du lịch, nhưng với mục đích "tự tử" tăng hơn 1/3 từ khoảng năm 2008 đến 2012.
Tại Zurich, là bang có dân số đông nhất nước Thụy Sỹ, có đến 172 trường hợp tạm gọi là "du lịch tự tử" trong năm 2012, tăng từ 123 trường hợp hồi năm 2008. Số liệu này lấy từ đại học Zurich, dựa trên những trường hợp tự tử có hỗ trợ của y khoa. Lượng du khách tự tử lớn nhất đến từ Đức và Anh Quốc.
Từ 2009 đến 2012, số lượng tự tử tăng lên đáng kể, gần gấp đôi, nhưng trong giai đoạn từ 2008 đến 2009, con số này lại giảm, từ 123 trường hợp xuống còn 86. Những người thực hiện thống kê này không biết lý do tại sao trong khoảng thời gian ấy con số lại giảm, có thể là do giới truyền thông không mấy mặn mà với đề tài này.
Nhưng vài năm gần đây, số lượng người đến Thụy Sỹ tự tử tăng đều, một phần là do chính phủ nước này nới lỏng các điều luật xoay quanh hỗ trợ tự tử. Thụy Sỹ cho phép hỗ trợ tự tử miễn là có lý do chính đáng.
Thụy Sỹ đang làm "điều mà không có đâu làm vì luật lệ ở các quốc gia khác không mang đến cơ hội này cho con người," tiến sỹ Mausbach, luật sư và là thành viên trong nhóm thực hiện thống kê trên cho biết.
Nhóm thống kê cũng dự đoán phong trào này vẫn tiếp tục tăng cao mặc dù họ cần nghiên cứu nhiều hơn, cẩn thận hơn và cập nhật dữ liệu mới.
Ông Mausbach cũng cho biết con số trên nảy ra những câu hỏi xoay quanh vấn đề đạo đức và tính pháp lý, như tại sao bệnh nhân cảm thấy cần thiết để phải di chuyển xa như vậy nhằm chấm dứt cuộc sống của mình, và liệu điều đó có thích hợp cho Thụy Sỹ để giải quyết các trường hợp như vậy khi luật pháp của nước sở tại của bệnh nhân không có điều khoản nào đề cập đến vấn đề này. Ngoài ra, về chi phí, mỗi bệnh nhân cần hỗ trợ tự tử mất đến 3.000 đô la Mỹ và liệu chính phủ Thụy Sỹ có tăng hay giảm mức này cho phù hợp với chính sách hỗ trợ tự tử hay không.
Các tổ chức về "quyền được chết" ở Thụy Sỹ thường đưa ra những tiêu chí rất chặt chẽ khi họ muốn hỗ trợ bệnh nhân tự tử, trong đó có những tiêu chí như bệnh ở thời kỳ cuối, bệnh không chịu đựng nổi, mong mỏi được chết liên tục và đánh giá tình trạng bệnh hợp lý từ phía bác sĩ.
Tổ chức phi lợi nhuận Dignitas là một trong những nhóm nổi tiếng nhất hỗ trợ quyền được chết của bệnh nhân, hầu như liên quan đến phần lớn trường hợp trong thống kê du lịch tự tử bên trên. Theo ông Silvan Luley, một trong những người lãnh đạo tổ chức này cho biết trong một email rằng thống kê này "không có điều gì thực sự mới mẻ hay đột phá. Thực chất, nó khá bình thường." Chính tổ chức Dignitas cũng đã đưa ra dữ liệu về các trường hợp tự tử có hỗ trợ y tế, có cả quốc gia có người tự tử kiểu này. Theo một phân tích của tờ thời báo Wall Street, biểu đồ của Dignitas cũng gần như tương tự với thống kê bên trên.
Mục tiêu của Dignitas không phải là nhắm đến khách du lịch nước ngoài đến nhờ họ hỗ trợ tự tử, mà là giúp các quốc gia khác chấp nhận hệ thống pháp lý của Thụy Sỹ để giải quyết các vấn đề về "quyền được chết", để công dân thực sự có quyền quyết định cho bản thân mình, không còn cụm từ "du lịch tự tử" nữa.