Nghi lễ nào cho châu Á

Giáo Hoàng đến thăm Hàn Quốc khi Giáo hội Công giáo cố gắng tạo một con đường mới đến với cộng đồng Công giáo nhỏ nhoi ở khu vực này.

Chuyến viếng thăm Hàn Quốc của Giáo hoàng Francis mới đây cho thấy thách thức và cơ hội mới mà tòa thánh Vatican cần tiếp cận đối với khu vực châu Á với dân số chiếm tới 60% toàn cầu, nhưng trong số đó chỉ có 12% là cộng đồng Công giáo.
Châu Á có thể xem là khu vực rất tiềm năng cho Công giáo phát triển, làm đối trọng với một châu Âu và Mỹ đang báo động vì số lượng Giáo dân đang đà sụt giảm, nhưng đó chưa phải là tất cả vấn đề của Rome, trong đó có những căng thẳng với cộng đồng Hindu và Hồi giáo, cạnh tranh mạnh mẽ của Tin lành và tỉ lệ người tham dự thánh lễ đang giảm.
Sinh ra và lớn lên ở khu vực đang phát triển nên Giáo hoàng Francis để tâm đến châu Á ngay khi vào ghế Giáo hoàng hồi năm ngoái, và nhận thấy rằng không vị Giáo hoàng nào đến thăm châu lục này kể từ khi Giáo hoàng John Paul đệ II đến Ấn Độ hồi năm 1999. Giáo hoàng Francis, gốc Argentina cho biết trong chuyến bay sang Brazil hồi năm 2013 rằng "Tôi phải đến châu Á."
Chuyến thăm 5 ngày ở Hàn Quốc của Giáo hoàng trùng với ngày Giới trẻ châu Á, là ngày hội tập hợp người Công giáo trẻ, hôm thứ 5 tuần qua. Tại Hàn Quốc, Ngài sẽ gặp gỡ khoảng 90 giám mục châu Á và có kế hoạch trở lại châu Á vào tháng 1 năm sau, sẽ đến Phillipines và Sri Lanka.
Theo Pew Research Center, năm 2010, chỉ có khoảng 3% người châu Á theo Công giáo, so với 72% dân số của châu Mỹ La tinh và 1/3 dân số châu Âu. Philippines có đến hơn nửa trong số 131 triệu người Công giáo ở châu Á năm 2010, là cộng đồng Công giáo lớn thứ 3 trên thế giới. Khi duyệt danh sách phong chức vị Hồng y, Giáo hoàng đã thêm vị thứ hai đến từ Phillipines.
Hàn Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có cộng đồng Công giáo phát triển nhanh, nhưng cộng đồng này chỉ chiếm lần lượt là 10% và 7% trong tổng dân số.
Giáo hội Công giáo đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với cộng đồng Tin Lành, cụ thể là nhiều phong trào Tin Lành đang ngày một phổ biến trên khắp thế giới. Và những phong trào ấy được nhiều quỹ tài trợ và tỏ ra hiệu quả ở các nhóm cộng đồng nhỏ, mới. Vài phong trào mang thông điệp rằng sự thịnh vượng không phải là trở ngại để đến với niềm tin tôn giáo, là thông điệp rất phù hợp trong khu vực đang có nền kinh tế phát triển nhanh.

340075782

Ở châu Á, đạo Công giáo cũng chịu ảnh hưởng của các quyền lực nước ngoài và chế độ thuộc địa từ xưa. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã mang niềm tin tôn giáo vào châu Á nhiều thế kỉ trước. Vài người hy vọng gốc của Giáo hoàng ở thế giới đang phát triển sẽ rất phù hợp với châu Á và cũng "tẩy" được mối dây nhợ ràng buộc khỏi quyền lực phương Tây. Theo tờ Asia News, châu Á rõ ràng sẽ là đích ngắm trong triều đại Giáo hoàng Francis.
Giáo hội phải đối diện với một số xích mích có từ xưa mà đến nay chưa giải quyết được. Vatican chưa chính thức có được mối quan hệ với Bắc Kinh từ gần 60 năm qua. Thậm chí ở nơi cộng đồng Công giáo đông đảo như Phlippines, Hồng y Luis Antonio Tagle của Manila thất bại trong cuộc tuyển cử 2012 sau khi Quốc hội nước này thông qua luật thúc đẩy giáo dục giới tính và sử dụng các biện pháp tránh thai.
Ở Nhật, cộng đồng Công giáo có khoảng 440.000 thì trong số đó, những người di dân từ Brazil và Philippines cũng chiếm phần đông hơn nhiều so với người Nhật chính gốc, và Giáo hội Nhật đang rất vất vả để kêu gọi giới trẻ Nhật theo đạo.
Còn theo thống kê dân số năm 2011 tại Ấn Độ, quốc gia này có hơn 13 triệu người Công giáo. Giáo hội và các tổ chức Công giáo khác mở nhiều trường học tại đây và họ lo ngại về ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Hindu đang lớn mạnh trong mảng giáo dục từ khi đảng mới lên nắm quyền hồi đầu năm nay. Hơn nữa, các tổ chức Hindu bảo thủ vừa thảo luận đưa ra luật cấm bàn luận về tôn giáo. Còn nước láng giềng Parkistan, người Công giáo sẽ bị xử tử nếu có lời lẽ chỉ trích luật phỉ báng tôn giáo, và các nhóm nhân quyền cho rằng điều này có tỉ lệ không tương đồng khi so với nhiều nhóm tôn giáo nhỏ khác. Hồi năm 2011, Shahbaz Bhatti, vị bộ trưởng quản lý các vấn đề dân tộc thiểu số, là người Công giáo, bị ám sát ở Islamabad sau khi công khai chỉ trích luật phỉ báng. Cũng trong năm ấy, Salman Taseer, tỉnh trưởng Punjab, bị chính cận vệ của ông ám sát khi ông cố bảo vệ một bà mẹ Công giáo có 5 người con vì bà có lời lẽ phỉ báng tôn giáo. Năm ngoái, nhà của một số gia đình Công giáo bị một đám đông thiêu trụi ở trung tâm Parkistan sau khi một người Công giáo bị tố cáo có lời lẽ phỉ báng.
Ở Malaysia, Công giáo chiếm 4% dân số, Hồi giáo là đạo chính và hiến pháp nước này cho phép các tôn giáo khác tồn tại. Nhưng quyền tự do tôn giáo gầy đây lại nổi lên tranh luận khi một tòa án ở đây cấm một nhà thờ Công giáo sử dụng từ "Chúa" trong một tờ báo do Giáo hội sở hữu.
Giáo hội nơi đây phản biện rằng cộng đồng người Mã Lai sử dụng từ này hàng thế kỷ nay trong việc thờ phượng và lễ nghi, nhưng chính phủ lại cho rằng chỉ có người Hồi giáo mới được sử dụng từ ấy. Các nhóm Hồi giáo tại đây tập hợp lại để cáo buộc người Công giáo là muốn khiến người Hồi từ bỏ tôn giáo của mình. Người Công giáo phủ nhận điều ấy.