Từ vụ sáp nhập với Crimea, Nga bị Âu Mỹ đưa ra nhiều trừng phạt về kinh tế. Tuần rồi, Nga chính thức đưa ra một danh sách cấm nhập khẩu như đòn đáp trả. Trong khi Mỹ có vẻ ít bị tác động hơn thì châu Âu có thể "khổ sở" trong thời gian tới.
Hồi giữa tuần qua, Nga cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm từ Âu, Mỹ nhằm đáp trả lại những lệnh trừng phạt từ phía này, khiến người Nga phải đương đầu với tình hình kinh tế bị cô lập, cấm vận lặp lại một lần nữa kể từ thời Xô-viết.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev liệt kê một loạt loại thực phẩm cấm nhập khẩu trong vòng một năm, gồm có thịt bò, thịt heo, gia cầm, cá, trái cây, rau củ quả, bơ, sữa và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác từ Mỹ, Canada, các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU), Na Uy và Úc, là câu trả lời trực tiếp cho việc Nga bị các lệnh trừng phạt kinh tế trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Thủ tướng Nga cũng công bố lệnh cấm các chuyến bay của Ukraine quá cảnh tại Nga và cũng có thể sẽ ban hành lệnh cấm tương tự đối với chuyến bay của Mỹ và EU. Nhiều hãng hàng không Âu Mỹ thường phải quá cảnh tại Siberia khi muốn bay đến châu Á. Ông Medvedev cho biết: "Cấm vận không có gì hay và phản ứng này của Nga cũng là quyết định khó khăn của chính phủ. Chúng tôi buộc phải làm vậy nhưng cho dù rơi vào hoàn cảnh này, chúng tôi chắc chắn có thể chuyển khó khăn thành ích lợi."
Danh sách hàng cấm nhập khẩu cho thấy chính phủ Nga đã cố điều chỉnh sao cho ít ảnh hưởng nhất đến người dân Nga, và một số nhà kinh tế cho rằng có thể giá cả những mặt hàng nội địa sẽ tăng, ít nhất trong khoảng thời gian ngắn nào đó. Còn với chính phủ Mỹ, họ cho rằng tác động của lệnh cấm ấy không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ.
Gia cầm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong xuất khẩu mặt hàng nông sản của Mỹ đến Nga, năm ngoái chiếm đến 300 triệu đô la Mỹ. Nhưng từ đầu năm nay, Nga đã cấm nhập khẩu chủng loại này vì những quan ngại về an toàn thực phẩm. Tyson Foods Inc., nhà sản xuất thịt gia cầm lớn nhất ở Mỹ, bày tỏ thất vọng và cho rằng các quốc gia khác có thể nhảy vào chỗ trống đó.
Đối với các nhà xuất khẩu thực phẩm châu Âu, mất đi thị trường Nga sẽ khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn vì giá nông sản thấp và mức phát triển kinh tế ở châu Âu không tươi tắn gì trong thời gian qua. Nông dân Pháp, Hy Lạp và vài quốc gia khác kêu gọi EU đền bù cho các nhà sản xuất hoặc hỗ trợ về giá do lệnh cấm vận của Nga. EU chưa đưa ra giải pháp nào và từ chối bình luận về vấn đề này.
Giữa tuần qua, một nhà buôn Đức chuẩn bị xếp vài tấn táo lên xe tải chạy đến St. Petersburg, nhưng ngay sau đó ông nhận được tin nhắn Skype rằng bên mua huỷ hợp đồng. Cách xử lý tốt nhất mà ông có thể làm là chở hết đống táo đó đến công ty làm nước ép. Thay vì bán được trọn giá, giờ đây ông phải bán tháo với giá rất rẻ.
Có thể xem việc Nga chống đối Âu Mỹ bắt nguồn từ những chỉ trích, cáo buộc và trừng phạt của Âu Mỹ đối với Nga khi Nga sáp nhập với Crimea hồi tháng 3 đầu năm nay. Căng thẳng cao hơn khi tuần rồi, đáp trả vụ việc máy bay Malaysia MH17 bị bắn rơi tại biên giới phía Đông Ukraine, Âu Mỹ nhắm thẳng đến các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga ở các ngành công nghiệp như tài chính, dầu mỏ và vũ khí.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hối thúc Nga ngưng cung cấp vũ khí cho nhóm ly khai chống đối chính quyền Ukraine. Còn điện Kremlin thì phủ nhận việc hỗ trợ cho phe nổi dậy.
Lệnh cấm quy mô lớn như vậy khắc hoạ rõ việc Nga muốn rút lui khỏi Âu Mỹ dưới thời tổng thống Vladimir Putin trong năm nay. Có thể ông Putin có một chiến lược riêng cho thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gia đình và khuyến khích người dân dùng hàng trong nước khi nền kinh tế đang bị trì trệ. Ông Putin cũng đưa ra thông điệp khuyến khích tự cung tự cấp, hướng về thời xưa khi Xô-viết đã từng thành công với nền kinh tế tự cung tự cấp này.
Truyền thông Nga trong vài tháng qua đề cập nhiều đến tính yêu nước, khuyến khích nền kinh tế nội địa và kết quả là một số người Nga cũng tỏ ra không thích thú khi mua đồ ngoại nhập. Theo số liệu hải quan Nga, năm 2013, Nga nhập khẩu khoảng 43 tỉ đô la các ngành hàng thực phẩm, trong đó ngành hàng nằm trong danh sách cấm nhập từ Âu Mỹ chiếm khoảng 9 tỉ đô la.
Khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu không ảnh hưởng gì trong cuộc chiến kinh tế này vì có thể nó đều quan trọng cho cả hai phía, trừ khi vấn đề xung đột ở Ukraine trở nên căng thẳng hơn. Có lẽ lệnh cấm này ảnh hưởng nhiều nhất đến người dân thành thị có thu nhập cao khi họ quen dùng những mặt hàng thực phẩm ngoại nhập như phô mai Pháp hay xúc xích Đức. Rượu ngoại không nằm trong danh sách cấm, là món hàng mà giới chức và tầng lớp trung lưu Nga thường mua làm quà tặng hay mua dùng trong các dịp lễ. Còn lại, phần đông dân chúng Nga đều hướng đến những món hàng đơn giản, có thể tự cung tự cấp hoặc có thể nhập từ những quốc gia khác không có căng thẳng chính trị với Nga.
Tuy vậy, hồi đầu tuần vừa rồi, ngân hàng quốc gia Nga cảnh báo những lệnh cấm này có thể làm tăng lạm phát vì doanh nghiệp trong nước và nhà bán lẻ đều muốn tăng giá, cả thực phẩm trong nước lẫn thực phẩm nhập khẩu.
Trong khi ấy, một số quan chức Nga cho biết họ đã trao đổi với một số nhà cung cấp nước ngoài, không nằm trong danh sách bị cấm. Do vậy, lệnh cấm này càng giúp Nga thắt chặt hơn mối quan hệ với các quốc gia không thuộc Âu Mỹ. Một trong những quốc gia lợi thế nhất là Brazil vì quốc gia này có thể thay thế nguồn cung thịt bò, heo và gia cầm cho Nga. New Zealand cũng có thể lấp chỗ ngành hàng bơ sữa và Thổ Nhĩ Kỳ có thể xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm nhiều hơn.