Cả Israel và Ai Cập đều cắt nguồn nhập khẩu xi măng đến dải Gaza vì cho rằng số xi măng ấy dùng vào việc xây hầm quân sự thay vì xây trường học, bệnh viện.
Từ nhiều năm trước, tổ chức chính trị người Palestine, Hamas, than phiền Israel thắt chặt việc nhập khẩu xi măng vào Gaza khiến người dân nơi đây không thể xây dựng nhà cửa, trường học và bệnh viện. Và kết quả lại có một hướng khác, vì phần lớn xi măng đến được Gaza lại được dùng để xây các hang, đường hầm và hào dưới lòng đất phục vụ cho chiến tranh của nhóm Hamas. Lực lượng phòng vệ Israel IDF (Israel Defense Forces) ước tính mỗi một trong 30 đường hầm dưới lòng đất mà quân đội Israel phát hiện ra đến nay cần đến khoảng 350 lượt xe tải chở vật liệu xây dựng.
Và đây là điều nghịch lý: dải Gaza đang rất cần tái xây dựng. Theo ông Ali Al-Hayek, phó chủ tịch liên đoàn các ngành nghề công nghiệp Palestine, ngoài rất nhiều nhà ở và một bệnh viện, các đợt pháo kích của Israel đã phá huỷ tổng cộng đến 50 nhà máy sản xuất thực phẩm, nước ngọt, dệt may và một số ngành hàng khác. Nhưng nếu khôi phục lại việc nhập khẩu xi măng thì liệu điều gì sẽ cản nhóm Hamas sẽ không lấy nguyên liệu đó đi xây các cơ sở hạ tầng phục vụ cho quân đội? Và cứ nếu theo đó mà xây dựng nhà cửa và cơ sở sản xuất thì liệu Israel sẽ làm ngơ? Cuộc chiến lại rơi vào vòng luẩn quẩn.
Một tổ chức phi lợi nhuận Israel tên là Gisha-Legal Center ủng hộ các phong trào tự do đề xuất chính phủ Israel là nên thả nổi xi măng, không cần kiểm soát nhập khẩu. Theo tổ chức này, không thể để dải Gaza chẳng xây cất được gì, vì có đến 1,7 triệu người cần có nhà ở, trường học, bệnh xá, hệ thống dẫn nước và đến 70.000 công việc phụ thuộc vào ngành công nghiệp xây dựng. Thậm chí trước khi cuộc xung đột xảy ra, Gaza đã cần đến 75.000 ngôi nhà.
Học sinh Palestine đi học ngang qua đống đổ nát do pháo kích của Israel.
Mãi cho đến năm 2007, Gisha ước tính ngành xây dựng chiếm đến 28% GDP của Gaza. Sau khi tổ chức Hamas chiếm lấy Gaza vào năm ấy, Israel bắt đầu cấm vận thương mại, chỉ cho phép nhập khẩu hạn chế những món hàng mang tính nhân đạo. Vào năm 2010, Israel nới lỏng cấm vận một chút và vào năm 2012 lại nới thêm lần nữa, cũng là thời điểm Israel cho phép nhập khẩu xi măng để xây các dự án công trình do cộng đồng quốc tế tài trợ, trong đó phần lớn từ Qatar. IDF cho biết có khoảng 181.000 tấn sỏi đá, thép, xi măng, gỗ và các nguyên vật liệu khác được nhập khẩu hợp pháp vào Gaza trong năm 2012, qua Israel.
Từ năm 2007, hầu hết xi măng của Gaza nhập từ Ai Cập. Mặc dù cựu tổng thống Ai Cập, ông Hosni Mubarak, ủng hộ Israel cấm vận Gaza nhưng các vật liệu xây dựng được nhập lậu bằng những đường hầm bí mật, bên cạnh vật liệu xây dựng còn có thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác và cả vũ khí cũng qua những con đường này. Nhưng các con đường nhập lậu ấy phần lớn bị chặn lại vào tháng 7/2013, khi mà quân đội Ai Cập trục xuất tổng thống Mohamed Mursi, người theo phe Hamas. Quân đội phá huỷ rất nhiều đường hầm buôn lậu nối giữa Gaza và Ai Cập.
Ông Afeef Dahlan, nhân viên đấu thầu 48 tuổi, cha của 8 người con, ngồi trên chiếc ghế nhựa phía ngoài ngôi nhà của ông ở vùng phụ cận Sheikh Radwan phía bắc thành phố Gaza, vừa uống trà vừa nghe radio cập nhật tin tức về cuộc chiến. Ông cho biết ông và 20 công nhân của mình đang phải “ngồi chơi xơi nước” vì thiếu nguyên vật liệu để tiếp tục xây cất.
Dù vậy, mối đe doạ tấn công các đường hầm và hào của Hamas là có thực. Quân đội Hamas từng dùng đường hầm để tung ra những cuộc đột kích bất ngờ và bắt cóc người ngay tại Israel, trong đó có vụ bắt cóc Gilad Shalit, người lính bị bắt làm con tin 5 năm trời trước khi được trao trả hồi năm 2011 để đổi lấy 1.027 tù nhân Palestine. Người Israel từng rất lo lắng khi IDF công bố họ tìm thấy nhiều còng tay và thuốc an thần trong vài đường hầm như thế.
Một nhà báo của tờ Bloomberg News từng vào một trong những đường hầm được chiếm giữ, nằm sâu dưới lòng đất đến 12m, phía trên là đất sỏi cát. Trần của đường hầm được gia cố bằng những tấm bê tông dẹt và nền được đổ bê tông. Có những đường ray kim loại để vận chuyển chạy dọc theo hầm và có các tủ cáp cho thông tin liên lạc ở một bên. Cửa chính đi vào hầm được dấu gần 2km bên trong dải Gaza, bên dưới một nhà kính ở Khan Yunis, là một trại tị nạn. Đầu kia của đường hầm cách đó khoảng 1,5km, bên trong vùng Negev ở phía nam Israel, gần Kibbutz Nir Am. Hệ thống hầm ngầm này theo đánh giá của các kỹ sư chiến trường Israel là không hề đơn giản và rất nguy hiểm, vì nó nằm bên dưới các khu vực đông dân cư.
IDF có thể ngăn chặn được việc tái thiết xây dựng hệ thống hầm ngầm này bằng cách vẫn giữ người đồn trú tại dải Gaza, nhưng điều ấy lại gây nhiều nguy hiểm cho binh sỹ và khiến người dân Gaza không mấy hài lòng. Thay vì vậy, IDF có thể sử dụng những thiết bị nhận diện công nghệ cao. Nhưng khi mà các thiết bị hình ảnh điện từ trường và nhiệt đồ có thể vẽ ra được bản đồ bên dưới mặt đất thì cái khó là làm thế nào để đi dò địa hình trong vùng chiến sự. Có vẻ như vết thương khó lành từ cuộc chiến ở dải Gaza chưa có dấu hiệu gì khép miệng.