Điện thoại Xiaomi - âm thầm nhưng mạnh mẽ

Khi mà các hãng điện thoại lớn đang tìm một cách gì đó mới mẻ hơn về chiêu dụ người sử dụng thì một hãng sản xuất điện thoại ít người biết lại đang ngấm ngầm đe doạ những tên tuổi lớn như Apple, Samsung… bằng chiến lược tuy cũ nhưng lại rất mới ở cách thực hiện.
Ngày 15/5 vừa qua, một nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghệ, ông Lei Jun, đã lên bục diễn đàn trước hàng ngàn người hâm mộ vào báo giới Trung Quốc để nói về chiếc điện thoại mới của Xiaomi. Doanh thu của Xiaomi cao hơn mong đợi, với hơn 50 triệu người sử dụng thiết bị chạy hệ điều hành MIUI do chính Xiaomi phát triển. Ngoài điện thoại, ông Lei Jun cũng giới thiệu TV thông minh, có thể điều khiển qua một phần mềm và máy tính bảng nền Android tên là Mi Pad. Máy tính bảng này có 5 màu cho người dùng chọn, và có giá thấp hơn nhiều so với iPad mini.
Chuyện đáng nói ở đây là người dùng Trung Quốc tỏ ra rất phấn chấn. Phần cứng thiết kế đẹp, TV có những thông số kỹ thuật cao cấp, và máy tính bảng sử dụng bộ xử lý mới nhất của NVIDIA. Nhưng ông Lei muốn gửi thông điệp tới người nghe không phải là những sản phẩm trên, mà là đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát triển một thương hiệu công nghệ riêng, không ăn cắp.
Sau sự kiện này, nhiều người dùng chuyển ngay sang dùng MiPhone. Xiaomi là một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới, trở thành hãng sản xuất thiết bị cầm tay lớn thứ 6 trên thế giới, thứ 3 tại Trung Quốc, chỉ sau Samsung và Lenovo. Theo Xiaomi, năm 2013, họ bán được 18,7 triệu điện thoại thông minh ngay từ chính trên trang web, thu về 5 tỉ đô la Mỹ. Đầu năm nay, ông Lei đã đưa ra chỉ tiêu đạt 40 triệu điện thoại trong năm 2014, và năm tiếp theo là 60 triệu chiếc. Hồi tháng 8 năm ngoái, các nhà đầu tư định giá Xiaomi có giá trị 10 tỉ đô la, bằng với nhà sản xuất máy tính 30 năm tuổi Lenovo và 2 công ty ở Silicon Valley là Dropbox và Airbnb. Cùng lúc này, ông Lei đã mở rộng chủng loại sản phẩm, từ điện thoại thông minh sang máy tính bảng, màn hình HTTV khổ lớn, set-top box, router gia đình, vỏ điện thoại, bộ sạc di động và cả mô hình chú thỏ Mitoo đồ chơi như là biểu tượng của công ty.
![](/assets/Lei-Jun-1024x681.jpg) Jack Ma ở Alibaba, Pony Ma ở Tencent Robin Li ở Baidu, và tiếp đến là Lei Jun, được người Trung Quốc xem là những anh hùng công nghệ.
Trong khi điện thoại và máy tính bảng của Xiaomi rõ ràng là theo sau những sản phẩm lâu đời của Apple và Samsung, nhưng không phải là sản phẩm sao chép. Điện thoại đầu tay của Xiaomi là Mi 3 mỏng và nhẹ (8,1mm), góc được bo tròn mềm mại. Màn hình sử dụng của Samsung và bộ xử lý tốc độ cao của Qualcomm nên Mi 3 đạt được chuẩn điện thoại cao cấp. Trong khi hệ điều hành MIUI là phiên bản mà Xiaomi phát triển lên từ hệ điều hành Android gốc. Những bản cập nhật hệ điều hành thường xuất hiện mỗi tuần, cập nhật tính năng mới từ chính ý tưởng của người dùng, như một tính năng phổ biến bắt nguồn từ ý tưởng người dùng là kích hoạt đèn pin và tắt màn hình khi người sử dụng nhấn giữ nút nguồn trong 5 giây.
Sự sáng tạo thực sự của Xiaomi chính là mô hình kinh doanh. Họ bán hàng trực tuyến, không có cửa hàng, tránh những kiểu quảng cáo thông thường, và chỉ chi 1% doanh thu cho tiếp thị (Samsung là 5,4%). Thay vào đó, công ty dựa nhiều vào các mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc là Weibo, WeChat và một tờ báo công nghệ mà ông Lei được coi là một anh hùng công nghệ. Chi phí tiết kiệm được từ tiếp thị, Xiaomi lấy đó để đầu tư vào chất lượng linh kiện để giảm giá sản phẩm. Mi 3 giá khoảng 270 đô la trong khi iPhone có giá gấp đôi tại Trung Quốc. Xiaomi bán điện thoại theo lô, thường khoảng 100.000 chiếc một lần. Khi chiếc Mi 3 lần đầu tung ra, chỉ 86 giây đã được mua hết.
Mi 3
Nhưng mục tiêu của ông Lei không luẩn quẩn quanh sân nhà, ông muốn mang sản phẩm mình vào Brazil, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và 5 nước Đông Nam Á. Trong một email (ông không nói và viết tiếng Anh), ông nói chúng tôi là thị trường tiêu dùng đi đầu thế giới. Sau vài thập kỷ cố gắng, đây là xu hướng. Các công ty công nghệ Trung Quốc đang muốn tiến ra thế giới.
Ông Lei sinh năm 1969, ở tỉnh Hà Bắc, giỏi toán, theo học đại học Wuhan ngành công nghệ máy tính khi đạt học bổng năm 1987. Khi ấy, ông đã đọc được trong thư viện về sự nghiệp của Bill Gates và Steve Jobs, lịch sử công nghệ Mỹ và từ đó tạo nguồn cảm hứng cho ông. Ra trường, ông làm cho Kingsoft, công ty phần mềm về ứng dụng văn phòng giống hệt bộ Office của Microsoft và lên giữ chức CEO.
Nhưng Kingsoft trên bờ vực phá sản vì nạn phần mềm lậu và phần mềm WPS Office phải cạnh tranh trực tiếp với bộ Office của Microsoft. Hơn một thập kỷ, ông Lei cố lái Kingsoft đi theo hướng mới là game video và phần mềm bảo mật, rồi tạo dựng công ty thương mại điện tử Joyo.com, sau đó bị Amazon mua lại năm 2004 với giá 70 triệu đô la.
Cuối cùng, ông Lei cũng đưa Kingsoft lên sàn chứng khoán Hong Kong năm 2007, đạt doanh thu được 99 triệu đô la chủ yếu nhờ vào mảng game trực tuyến, nhưng sau đó ông rời bỏ Kingsoft (nhiều người cho rằng vì lý do sức khoẻ).
Sau khi rời Kingsoft, ông Lei mở một quỹ đầu tư cá nhân vào các công ty di động, mạng xã hội và thương mại điện tử. Năm 2007, ông hỗ trợ cho Vancl, một cửa hàng bán quần áo và hàng tiêu dùng trực tuyến. Doanh thu của Vancl gần gấp đôi năm 2011 khi bổ sung những mặt hàng mới như túi xách và chổi. Theo một chuyên gia, chính nơi đây đã cho ông Lei bài học quan trọng là không nên bị ràng buộc vào hàng tồn kho.
Năm 2009, ông Lei gặp Lin Bin, chuyên gia Google tại Trung Quốc, cũng muốn mở một công ty khởi nghiệp. Ông Lei sắp bước sang tuổi 40 và rất hứng thú với thị trường điện thoại thông minh. Trong ba lô ông mang theo có hơn 20 chiếc điện thoại để ông nghiên cứu, cũng như cả chiếc máy đọc sách Amazon Kindle mà ông muốn tháo hết ra để biết nó vận hành thế nào. Ông rất háo hức khi nói về phần mềm chạy trên điện thoại thông minh và cách để cải tiến nó cho người dùng di động ở Trung Quốc, khi mà dân số nước này đã vượt qua con số 1 tỉ người. Hai con người này đã có gia đình, con cái nhưng đã nói chuyện thâu đêm, đến sáng hôm sau, họ trở thành bạn bè, đều có cùng niềm đam mê và rất chuyên sâu về kỹ thuật.
Hồi đầu năm 2010, Google công bố họ sẽ tái tổ chức cơ cấu điều hành tại Trung Quốc để giải quyết các vấn đề về theo dõi người dùng của chính phủ. Điều này là động lực cho ông Lin rời bỏ Google, bắt tay cùng ông Lei tạo công ty khởi nghiệp, không chỉ làm phần mềm mà cả điện thoại thông minh cho người Trung Quốc. Ông cũng muốn bán điện thoại trực tuyến độc quyền, vì bán trực tuyến có thể tiết kiệm được từ 20% đến 25% chi phí cho các nhà bán lẻ, và phân phối được điện thoại chất lượng tốt với mức giá phù hợp cho dân Trung Quốc (thu nhập trung bình của dân Trung Quốc thấp hơn 2000 đô la mỗi năm).
Hai người bạn này bắt đầu mở một văn phòng nhỏ ở Bắc Kinh. Lei làm CEO và giám đốc sản phẩm, còn Lin làm điều hành, quản lý các hoạt động trong ngày. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là chọn ra cái tên cho công ty, đầu tiên là Redstar, nhưng khi đăng ký lại bị trùng, và một người đề nghị dùng từ Mi (nghĩa là gạo), vừa ngắn, vừa viết tắt của từ Mobile Internet, và thêm nghĩa khác nữa là Mission Impossible (ăn theo tên bộ phim “Nhiệm vụ bất khả thi”). Họ cũng cân nhắc chọn từ gạo đen hay gạo lớn theo Hán tự, và cuối cùng, họ chọn gạo nhỏ, phiên âm tiếng Trung là Xiaomi.
Nhiều chuyên gia nhận xét thời điểm thành lập Xiaomi là khá mạo hiểm vì Nokia và Motorola vừa bị loại ra khỏi thị trường, nhưng Xiaomi cho rằng chính nhờ thế mà thị trường điện thoại di động đang bị một lỗ hổng khi cả 2 hãng này rời đi.
Theo định hướng của ông Lei, một công ty điện thoại thông minh cần phát triển thật nhanh, lắng nghe và hồi đáp lập tức với người sử dụng, bán phần cứng gần bằng với chi phí sản xuất, kiếm lợi từ phụ kiện và dịch vụ internet. Do vậy, công ty khởi nghiệp Xiaomi đã có được một số nhà đầu tư bỏ tiền, trong đó có VC, một nhánh của Qualcomm.
Sau đó, Lei và Liu tập hợp một đội ngũ những chuyên gia công nghệ, có thể quản lý độc lập những bộ phận tách biệt, gồm phần cứng, phần mềm, thiết kế và sản xuất. Để chiêu dụ nhân tài từ các công ty khác, cả hai cho những người muốn gia nhập danh hiệu đồng sáng lập công ty và cổ phiếu công ty, và đến nay có đến 8 người đồng sáng lập Xiaomi, tính cả Lei và Lin.
Sản phẩm đầu tay của Xiaomi là hệ điều hành MIUI, miễn phí trên mạng từ giữa năm 2010 như là một gói phần mềm thiên nhiều về kỹ thuật, dành cho dùng dùng Android, có thể cài “đè” lên hệ điều hành Android mặc định. Trong vài tháng đầu, phần mềm này đạt khoảng nửa triệu lượt tải về, với giao diện thân thiện, nhiều tính năng thiết yếu như ghi âm lại cuộc gọi, gửi tin nhắn cùng lúc đến nhiều người.
Sản phẩm tiếp theo được công bố là chiếc điện thoại Mi 1, tháng 8/2011. Thời điểm đó, Mi 1 dùng chip 2 nhân mới nhất của Qualcomm và có giá chỉ khoảng 300 đô la, rẻ hơn gấp 3 lần so với iPhone 4. Sáu tháng tiếp theo, Xiaomi bán ra 3 lô Mi 1 và cung không đủ cầu. Một trong những nhà sáng lập Xiaomi nói với công chúng rằng đừng quá tham lam, vì như vậy có thể giết chết nhà cung ứng phần cứng. Có nhiều than phiền từ khách hàng khi Mi 1 bán ra, vì nhiều trường hợp phải mất đến hàng tuần mới nhận được sản phẩm, hoặc dịch vụ khách hàng chưa tốt buộc Xiaomi phải thuê thêm nhiều nhân viên hỗ trợ và mở một mạng lưới cửa hàng sửa chữa nhỏ. Nhưng Xiaomi vẫn tiếp tục nhận nhiều đơn hàng và vì giá linh kiện giảm trong khi giá bán Mi 1 vẫn không đổi. Thời điểm đó, lợi nhuận công ty đạt 15% doanh thu.
Xiaomi ban đầu dự kiến bán được khoảng 300.000 chiếc Mi 1, nhưng họ đã bán được hơn 7 triệu chiếc. Một năm sau, họ tung ra Mi 2, là điện thoại đầu tiên dùng bộ xử lý Snapdragon mới nhất của Qualcomm. Xiaomi bán được hơn 15 triệu chiếc Mi 2.
Xiaomi có 5200 nhân viên, nhưng trong đó, người làm việc cật lực nhất vẫn là ông Lei, mà theo người trong công ty nhận xét, ông làm khoảng 100 giờ mỗi tuần. Trong một bức email cuối năm gửi đến nhân viên, ông Lei yêu cầu mọi người làm việc cật lực hơn nữa để vượt qua đối là Huawei và Lenovo, vì ông cho rằng kẻ mở đường không phải lúc nào cũng là kẻ đứng đầu thị trường.
Đối với chiến lược mở rộng thị trường ngoài nước, Xiaomi có một “quân bài” mang tên Redmi, điện thoại giá rẻ, giá 130 đô la. Chiếc Redmi giống với Mi 3 nhưng sử dụng chip giá rẻ của MediaTek (Đài Loan). Và trong tầm nhìn của Xiaomi thậm chí có điện thoại giá chỉ ở 50 đô la. Xiaomi đã cho thấy điện thoại của họ sử dụng tốt những công cụ mạng xã hội phương Tây như Twitter, bên cạnh Weibo hay WeChat nội địa. Nhưng Xiaomi cũng đang phải đối diện với nạn hàng giả và bản quyền phổ biến ở nước này.