"Điểm mù" trong ngành sữa Trung Quốc

Trung Quốc vừa vạch ra một lộ trình cho ngành công nghiệp sữa bột với hy vọng xoa dịu thị trường và thắt chặt hơn quy trình kiểm tra chất lượng. Nhưng lộ trình đó có được cho là phù hợp?

Cách nay khoảng 6 năm, hàng ngàn trẻ em Trung Quốc bị bệnh và một số bị chết do uống sữa bột có pha một chất hóa học công nghiệp. Vài tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có những động thái tích cực để tinh lọc lại ngành công nghiệp sữa, nhằm xoa dịu bớt những lùm xùm về chất lượng sữa bột từ hồi năm 2008. Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn không xem trọng những can thiệp mới mẻ này của Trung Quốc và xem đó như là một cách quảng cáo mà thôi.
Sáu trẻ em bị chết trong hàng ngàn trẻ mắc bệnh do chất melamine gây ra, là một chất có trong nhựa, thêm vào thành phần sữa bột để qua mặt các phép thử về chất lượng khi cho độ protein cao hơn so với bột sữa thông thường. Nhiều người trong ngành nghĩ rằng nguồn căn của vụ việc này là ngành sữa Trung Quốc quá mỏng manh. Những hộ kinh doanh nhỏ và các buôn lái vì muốn thêm chút lãi mà pha trộn thêm vào bột sữa và tăng chất dinh dưỡng "ảo" bằng chất hóa học. Ngành sữa không phát hiện ra sớm bởi vì quy trình quản lý chất lượng của họ quá dễ bị qua mặt.
Bắc Kinh đã xử lý vụ tai tiếng này theo cách mà họ từng làm với hầu hết những vấn đề kinh tế khác: làm to chuyện. Mới đây, Hội đồng Nhân dân Trung Quốc đưa ra một lộ trình cho ngành công nghiệp sữa bột, mục tiêu là thống nhất ngành này lại, cụ thể là hình thành 10 công ty sữa bột lớn nhất vào cuối năm nay, và cho đến năm 2018, thu xuống còn 5 công ty. Lý thuyết này có quy mô rất rộng, kết hợp cả việc tích hợp theo chiều dọc, nghĩa là chính phủ sẽ quản lý chất lượng và an toàn sữa bột dễ dàng hơn.
Từ đó, có làn sóng vài doanh nghiệp sữa Trung Quốc bắt đầu cổ phần hóa, trong đó có công ty sữa China Shengmu Organic Milk vừa bán cổ phần tại Hong Kong hồi đầu tuần này, với lý do là muốn tăng cường mạng lưới sản xuất tại Trung Quốc. Số công ty sữa khác chấp nhận những đầu tư cá nhân mà phần lớn cũng cùng một lý do như Shengmu Organic. Như ông Jack Ma, chủ tịch trang bán hàng trực tuyến Alibaba, là một trong các nhà đầu tư, đổ khoảng 2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 322 triệu đô la Mỹ) vào một nhà máy sữa Yili ở Nội Mông tháng vừa rồi.
20089199545331
Ngoài ra, có một diễn biến khá "cổ điển" khác nữa là một số công ty sữa mới bắt đầu tìm kiếm thị trường nước ngoài. Hồi tháng 5 vừa qua, Bright Food của Trung Quốc mua lại 56% cổ phần công ty Tnuva, một trong những công ty sữa nổi tiếng của Israel. Các nhà phân tích chỉ đề cập nhiều về mặt chuyển giao công nghệ cho thương vụ này. Còn những người Israel sẽ rất vui mừng tiếp đón những ông chủ Trung Quốc vì các chính sách "an toàn là trên hết" tốt nhất của các ông chủ mới đó. Trong khi đó, nhà sản xuất công thức sữa cho trẻ em Synutra đang đầu tư 122 triệu đô la để xây dựng một nhà máy sữa mới tại Brittany, Pháp và sẽ nhập khẩu ngược về Trung Quốc.
Những điều trên nghe qua có vẻ rất xán lạn nếu trước đây chúng ta biết rằng chỉ một mình hệ thống sản xuất sữa mỏng manh của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho thảm họa sữa năm 2008 và kéo dài đến cả những năm sau đó. Nhưng không chỉ ngành công nghiệp sữa Trung Quốc bị đánh giá là mỏng manh, các ngành công nghiệp sữa của các quốc gia khác cũng vậy. May mắn là không thị trường nào khác ngoài Trung Quốc bị tác động mạnh và thường xuyên như Trung Quốc. Họ rơi vào tình trạng này không chỉ nằm ở cấu trúc ngành sữa nói riêng mà còn nằm ở cấu trúc của cả nền kinh tế nói chung. Chúng ta còn nhớ đến công ty sữa Sanlu, là tâm điểm của vụ việc này hồi năm 2008. Sanlu không phải là doanh nghiệp nhỏ, là một trong những công ty sữa lớ nhất ở Trung Quốc, có một phần sở hữu của Fonterra ở New Zealand, và thương hiệu sữa bột Sanlu nằm trong những thương hiệu phổ biến nhất.
Vụ việc này xảy ra phần lớn là do chính sách an toàn của Trung Quốc còn yếu và báo chí không đóng vai trò như là công cụ giám sát, tố cáo. Vì không phải là công ty sữa nhỏ, tầm vóc của Sanlu đã làm vấn đề thêm trầm trọng, một phần vì đây là công ty quốc doanh. Do vậy mà chính phủ Trung Quốc luôn luôn có thể quản lý mức giá và trường hợp melamine bị che đậy rất khéo léo trong suốt kì Olympics 2008.
Nếu Bắc Kinh nghiêm túc hơn về việc làm sạch ngành công nghiệp sữa thì đó là lúc nên chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng ngược lại, Bắc Kinh lại đang tạo ra nhiều công ty Sanlu hơn. Sẽ có những công ty sữa khổng lồ xuất hiện, do chính phủ quản lý, giúp Trung Quốc dễ giám sát và áp đặt chính sách sữa hơn.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục cho thấy sự mâu thuẫn khi họ chọn cách nhanh nhất và dễ nhất là áp dụng những chính sách an toàn sữa bột của nước ngoài. Vài năm qua, nhiều địa phương tại Trung Quốc soi xét các nhà sản xuất sữa bột nước ngoài về việc "làm giá" sữa và hạch sách họ về những yêu cầu đăng ký kinh doanh rắc rối. Nhiều doanh nghiệp sữa đã rút đầu tư vào thị trường sữa bột tại đây.
Một ngành công nghiệp sữa hiện đại có lẽ cần có nhiều doanh nghiệp lớn hơn so với trước. Trung Quốc cũng đã có được một số tiến bộ khi cho phép thị trường quyết định. Năm ngoái, giá sữa giảm và giá thịt bò tăng, dẫn tới nhiều nhà nông giết mổ đàn gia súc để chuyển đổi ngành nghề. Các nhà quản lý an toàn thực phẩm của Trung Quốc vẫn từ từ, chậm rãi, nhưng chắc chắn là hiểu được vấn đề hơn sau vụ Sanlu.
Nhưng khi mà Bắc Kinh cố gắng tạo ra một ngành công nghiệp sữa quốc doanh thì thị trường lại bị rơi vào một vòng lặp. Đây là giải pháp lỗi thời để xử lý một vấn đề kiểu cũ. Cho dù ông Tập Cận Bình có đưa ra những cải cách kinh tế nào "đao búa" to lớn thì người dân vẫn còn chưa hoàn toàn tin tưởng vào ngành công nghiệp sữa Trung Quốc, chí ít trong vài năm nữa.