Bình Ba - đến rồi đi

Khi đến một hòn đảo nào đó, thứ làm ta thích thú là nó tách biệt với đất liền. Còn với đảo quân sự Bình Ba này, vài người nói là đi liền đi kẻo không còn dịp đến nữa chỉ trừ khi ta... nhập ngũ.

Chưa biên tập nên câu chữ còn thô lém, vì mình cứ viết cho kịp với luồng suy nghĩ kẻo nó mất đi, rồi lười edit lại nữa… Happy reading, my buddies!


Đi xe Phương Trang ra Cam Ranh một đêm, rồi đến cảng Ba Ngòi để bắt cano ra đảo. Mình đi vào mùa gió lớn nên sóng đánh ướt hết cả người, nhưng vui.

Bình Ba với khoảng 5000 dân, mình cố tình đi ngày trong tuần để tránh cái nhộn nhịp của khách du lịch. Cũng đúng thật, ít khi gặp khách, mà toàn gặp khách Việt, hên là người từ Sài Gòn ra chơi là nhiều.

Đảo còn dơ, chủ yếu là nơi cư trú của dân làm nghề biển. Ở đây người ta nuôi tôm nhiều lắm, gần như nhà nào cũng nuôi tôm. Lúc đầu họ nuôi tôm hùm, tuy tôm hùm có giá, đến 1,7-1,8 triệu đồng/kg nhưng tôm hùm khó nuôi, dễ chết nên không lời mấy, nên dân ở đây nuôi tôm xanh lời hơn, vì nó sống dai, dễ nuôi hơn cho dù giá nó thấp hơn tôm hùm một chút. Chất lượng thịt thì cũng OK, tuy không ngon bằng tôm hùm nhưng cũng một chín một mười.

Có thể khẳng định người dân Bình Ba không bị… ghẻ. Vì thứ quý giá nhất trên đảo này là nước ngọt. Giếng thì khoan lúc có nước, lúc không, còn nước thì nhiễm mặn, đến cả nước tắm cứ lờ lợ như nước biển. Nên nước sinh hoạt phải mua ở đất liền hoặc hướng nước mưa. Người dân ở đây xây nhà phải xây thêm cái bồn chứa nước mưa nữa để dùng cho nấu ăn hàng ngày, chứ mua nước ngọt thì giá khoảng 15.000 đ/bình 12-15 lít.

Nhưng hải sản ở đây thì tuyệt, ngon vì giá rẻ, vì tươi sống và người dân ở đây toàn sống bằng cái nghề này.

Nuôi tôm cũng vui, mỗi nhà đều có vài vuông tôm và cái bè giữa biển để nuôi. Mỗi vuông chứa chừng 250 con tôm xanh, nuôi đến tầm 3 lạng là đem bán được, khoảng cỡ 1 năm đến nửa kg. Nuôi quá lớn không lời, quá nhỏ không lời, mà cần canh cho vừa đủ là có thể bán được cho lái. Cho tôm ăn cũng tốn nhiều tiền. Chúng toàn ăn cua ghe, tôm cá mực nên rác trong vuông cũng rất nhiều, nên có thêm cái vụ đi hốt rác cho chúng nữa. Người dân phải lặn xuống vuông bên dưới 3-4m để cào rác ra, nhìn cũng ghê thật, nhưng cái nghề nó vậy rồi.

Đây là hòn đảo quân sự. Chắc mình có duyên hay sao mà đi đúng cái ngày họ tập bắn pháo, cứ chốc chốc lại nghe tiếng súng nổ đùng đùng, vọng khắp các nơi, cả đến tận đêm. Tiếng súng nghe thật mạnh mẽ, ấn tượng, hơn bất kỳ bộ loa hoành tráng nào. Thế mới thật là âm thanh đích thực! Đảo quân sự có nhiều lô cốt bỏ hoang, nhưng mình nghe theo thằng Đức, nó nói cứ giả lơ đi vào khu quân sự thử xem. Mình thử, rồi gặp anh anh gác cổng, nhưng may là có chú Xuồng xin cho, vì chú dẫn thêm 4 người nữa, đúng ra là 2 cặp, 1 cặp trẻ sắp cưới, 1 cặp già chắc vừa nghỉ hưu. Mình theo, rồi lên phà của chú Xuồng, ngụp lặn coi mấy cái vuông. Rồi đi đến cụm san hô mà mình tưởng là san hô chết. Chú Xuồng khẳng định san hô còn sống. Sống gì mà sống, thấy chẳng có đung đưa gì, và mình biết đâu là san hô sống, đâu là san hô chết chứ. Người đứng trên nó mòn cả cái mũ nấm mà sao nó sống nổi, chỉ có mấy con cá lượn lờ quanh quanh mấy cụm san hô đứng im ỉm vậy thôi. San hô dễ chết lắm mà, mình biết mà, nhưng không cãi với chú. Chỉ tiếc một điều là mình không mang theo cái kính lặn, để trong balo khoá lại trong phòng, uổng ghê nơi, thế mới nói. Đeo cái kính lặn tự chế của dân Bình Ba chụp cả mũi, có cái tốt, có cái dỏm, nhưng cái của mình chắc chắn là dỏm vì nó cứ vào nước, và cái đầu của mình hình như cũng nhỏ hơn “chuẩn” một chút thì phải. Nước cứ vô hoài nên khó lặn tốt được. Nhưng nước biển ở đây trong rất trong, thấy tận đáy cho dù đang ngụp lặn xa bờ hay gần bờ. Ai nói ở đây ý thức chứ rác rưởi cũng nhiều, nhưng hy vọng cái tên đường Xanh-Sạch-Đẹp mà chính quyền địa phương đặt cũng thức tỉnh phần nào ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Vì nhà cất để chờ du lịch mà. Rồi dân Bình Ba chuyển từ nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm thành nhà nhà du lịch, người người du lịch cho mà xem. Dễ ăn quá mà.

Nhưng dù gì mình thấy rõ người Bình Ba chưa biết cách làm du lịch mấy, cũng có vài người biết nhạy bén kinh doanh đó nhưng còn kém. Có lẽ họ cũng nghĩ rằng người Sài Gòn ra Bình Ba mua đất, cất nhà, làm du lịch hay đầu tư nuôi tôm gì đó. Uh, thì cũng phải hội nhập chứ, mà người Sài Gòn đi đâu làm kinh doanh dù gì cũng dễ chịu hơn người ngoài Bắc vào Nam phông phông phênh phênh nghênh nghênh ngếch ngếch.

Bình Ba đọng lại trong mình điều gì khi rời đó? Không tích cực, cũng không tiêu cực. Có vẻ mình khó tính hơn rồi nhỉ. Nhưng mình lại nghiêng về điểm cộng hơn vì thái độ người ở đây rất hoà nhã, đôi lúc vài người không mấy thân thiện. Bình Ba gần đất liền quá, ước gì nó xa hơn một tí, tách biệt hơn một tí và ít bình yên hơn một tí, có gì đó thô ráp của nắng, của gió chút nữa, có thêm chất xơ và dã chút nữa thì hay biết mấy. Mình thích không khí tanh tanh của tôm cá, cái gió biển mằn mặn rin rít của biển, cái lốc không biết từ hướng nào để mồi được điếu thuốc và cái bân bẩn của phân bò rải rác đâu đó trên những bãi cỏ, con đường quanh co nắng gắt, cái mùi của quả cam đường độc đáo mà bộ đội trồng lấy bù lượng đường trong máu ở mấy lô-cốt cằn cỗi. Mình có lẽ không thể quên được buổi hoàng hôn tuyệt đẹp mình đứng ngắm ông mặt trời từ từ khuất sau bóng núi và đám mây lững thững chia đôi nguồn sáng, mặt sóng vỗ về mạnh mẽ như muốn làm nẩy bật những tia nắng cuối cùng chiếu xuống tấm thảm biển ấy. Mình tựa vào bờ đá mà nghĩ ngợi lung tung, bên cạnh chú Xuồng mon men đến thu tiền dẫn đi chơi. Định đưa chú 150k nhưng chú đòi 100k, đành vậy. Rồi cặp Tuấn - Vân Anh khá đẹp đôi, người thu tiền cơm, người nấu cơm rồi quen rồi chuẩn bị cưới. Chúng thích mình, chúng ngỡ bằng tuổi mình, mà kệ, chúng vô tư, mình cũng vô tư như chúng. Chúng mời mình đi ăn chung mấy cuốn tả pí lù và mấy cây chả chiên. Rồi cũng tối đến, mình ra quán cũ, ngồi “đàm tiếu” với ông con hôm trước, nay với ông ba và bà xã. Rồi mình ngỡ ra điều rằng chó biển đích thực là tay bơi cừ khôi không kém bất kỳ vua bơi lội nào. Chúng có thể bơi ra bè ban đêm mà trúng phóc cái bè của chủ chúng. Thực tài là chó! Mình không bất ngờ vì cách chúng tìm đúng bè mà là cách chúng vượt sóng mà bơi, thật tuyệt chó ơi!

Có thể nói, một điều bất ngờ về mấy con chó ở Bình Ba là chúng rất đẹp. Chúng không sủa, không đái ỉa bậy trên bờ, chúng canh chừng mọi thứ, chúng luôn ngẩng đầu trông xa từ bè, chúng kiêu hãnh, chúng thân thiện. Sao hay thế! Mình chỉ quên hỏi một điều là dân Bình Ba có ăn thịt chó hay không mà thôi, chắc là không!

Cũng như nhiều làng chài khác, theo mình nghiên kíu thì Bình Ba do ông Nam Hải lần đầu ra đây rồi kéo mọi người lập cư, sinh sống, rồi ổng chết, người ta xây cái miếu thờ ổng, hằng năm đến ngày nào đó có ghi trên cái miếu, mọi người làm lễ hội thờ ổng để cầu cho nghề biển của họ ăn nên làm ra, thế thôi. Đúng mình thật sai sót khi ở cái nhà nghỉ sát bên cái miếu của ông, có cái gốc bàng to thật là to, gió thổi lá bàng xào xạc y như tiếng sóng vỗ, trưa thì mát mẻ, nhiều dân chài lên miếu mà ngồi nghỉ và tám chuyện. Mình chỉ lướt qua cái miếu này thôi, vì thấy nó được trùng tu năm 1992 hay sao ấy, được nhà nước công nhận là di tích quốc gia gì đó mà xấu quá, tội ổng, nếu ông Nam Hải có mắt thẩm mỹ tí chút. Nhưng ổng cũng sẽ rất vui nếu cứ trưa dân chài lại trải lưng trước miếu ổng mà nằm mà tám mà chín tới chiều tà, thôi mặc cho cái thẩm mỹ đi đâu thì đi vậy!
Đảo yến đúng là đặc trưng Khánh Hoà khi mình bắt gặp 2 cái nhà yến nằm cheo leo trên vách núi trong một lần tình cờ táo bạo đi qua đàn bò, cũng vui và thật hấp dẫn. Bên này núi nhìn qua, gió thốc mạnh kinh khủng, cầm máy ảnh mà không vững được, chắc tại máy nhẹ quá hay tay mình run quá, chắc cả hai.

Rời đảo, mình biết được chị Út Tăng có lẽ “trùm” ở đó vì nói ai cũng biết, thằng Đức đệ tử của chị từ Đà Lạt vào, cái thằng dẫn mình đi đây đó chút chút lại chạy về bán căn-tin cho học sinh cấp 2, trường Nguyễn Trung Trực đối diện. Thằng Đức dễ thương, hút thuốc, xạm và mới đến Bình Ba 2 năm thì phải, còn mới quá. Nó chưa được đi đâu nhiều mà cứ phải giải thích chuyện này chuyện nọ với mình như bãi Nhà Cũ với bãi Nhà Mới hồi xưa tách nhau, nay chạy xịch lại mà thành Bình Ba. Nó cười dễ thương, hiền hậu. Chị Út Tăng chắc không phải tên chị, mà tên chồng chị là Tăng, còn Út chắc chị út trong nhà. Chị dễ thương, không có phòng cũng ráng chở mình đi tìm phòng và sai thằng Đức làm đủ mọi chuyện cho mình dễ thở, mà mình bình thường cũng dễ thở mà. Đến anh Ti, không phải tên thật, nhưng cho mình thuê phòng, đến khi checkout mới biết mặt ảnh là ai, vì chỉ gọi qua điện thoại. Anh này chắc cũng chẳng biết làm dịch vụ cho thuê phòng gì đâu, chỉ biết xây lên rồi cho thuê thôi, rồi đến ngày đến giờ khách tự động đến hỏi tiền anh bao nhiêu là vậy. Nhưng có vẻ ảnh khoái kinh doanh trên cái bè của ảnh hơn, đẹp rộng và mát, khách đến nhiều chắc dễ liệu cơm gắp mắm hơn. Ảnh cười lớn khi hỏi chuyện vợ con, chắc còn trẻ quá mà, nhưng vì cái nắng nên da ảnh đen sạm lại nên trông già hơn. Hỏi ngay khi uống cafe với 2 cô nàng ở đó, chắc ảnh cũng ngại nhỉ.

Rồi chú Xuồng tình cờ gặp nhưng rất thân thiết, mời điếu thuốc là chú xơi ngay. Chú chắc cũng tám lắm và khoái nhậu khi lên bè, chú giới thiệu vụ nuôi tôm mực chỉ để… ăn mà không để bán là biết ổng khoái nhậu rồi. Còn vài người nữa mà mình không hỏi tên, mình thấy mình toàn đi hỏi tên người ta mà chưa có ai hỏi mình. Câu duy nhất mà họ đồng thanh hỏi là tại sao anh đi một mình bằng cái giọng giống Quãng ngợ ngợ khó nghe, vì mình nghe không quen đó thôi.

Thôi nhé, một chuyến Bình Ba kiểu “trốn” bạn bè mà đi, giờ đang ngồi ở Cam Ranh gõ nốt những dòng này trong khi đợi chuyến xe đi tiếp ra Quãng Ngãi thăm con Thiện nó bị “bệnh” với nhà của nó. Con này hình như có bệnh than thân trách phận, mà đứa con gái nào chẳng vậy. Rồi mình lại nhớ tới mmt.