Chiếc MacBook Air mà nhà báo James cho là “sạch”, nhận được một gói dữ liệu mã hóa phức tạp, nội dung chỉ vỏn vẹn “Thay đổi theo kế hoạch. Đến khách sạn __ vào lúc 1 pm. Cầm theo một cuốn sách, chờ ES tìm ông.”
Chín tháng cho một cuộc hẹn
ES là viết tắt của Edward Snowden, người đang bị Mỹ phát lệnh truy nã trên toàn cầu. Gần 9 tháng ròng rã, ông James cố sắp lịch hẹn phỏng vấn với Edward, ông phải bay đến Berlin, hai lần đến Rio de Janeiro, và nhiều lần với vài người thân tín của Edward để có thể sắp xếp được cuộc hẹn. Trong số ấy, có một câu hỏi mà tay nhà báo này luôn muốn được trả lời: điều gì đã khiến Edward Snowden tiết lộ cả trăm ngàn tài liệu mật và các chương trình giám sát của chính phủ Mỹ? Cuối cùng, vào tháng 5 vừa rồi, James nhận được một email từ luật sư của Edward, ông Ben Wizner, xác nhận anh sẽ gặp James tại Moscow và có thể trao đổi trực tiếp với anh vào 3 ngày cố định trong vòng vài tuần. Đây là khoảng thời gian duy nhất mà bất kỳ nhà báo nào được phép gặp gỡ anh kể từ khi anh đến Nga vào tháng 6/2013. Nhưng chi tiết cuộc gặp vẫn chưa được tay luật sư thông báo cụ thể.

Nhà báo James đáp xuống sân bay Moscow mà không biết chính xác khi nào, ở đâu sẽ gặp được Edward. Cuối cùng, thông tin chi tiết cũng đến với ông.
James trọ tại khách sạn Metropol, là một tác phẩm kiến trúc về lối phối màu cát, theo trường phái nghệ thuật tiền hiện đại. Được xây vào khoảng thời gian Czar Nicholas đệ nhị, sau này khách sạn Metropol trờ thành tòa nhà Quốc hội thứ hai của Xô-viết sau khi Blosheviks lên cầm quyền năm 1917. Trong nhà hàng của khách sạn, tác phẩm Lenin trong chiếc áo bành tô và đôi ủng cổ cao Kirza đang kêu gọi những người ủng hộ ông. Đến nay, hình ảnh ấy vẫn còn hiện diện trên tấm tranh lớn trang trí khách sạn, được bố trí rất thích hợp, đối diện với những biểu tượng tượng trưng cho một nước Nga đổi mới nằm phía bên kia tòa nhà, đó là những biển hiệu của những hãng xe Bentley và Ferrari, của trang sức Harry Winston và Chopard.
Trước đây, nhà báo James từng có vài dịp ở Metropol trong suốt 3 thập kỷ làm phóng viên điều tra. Cách nay 20 năm, ông từng phỏng vấn Victor Cherkashin, sỹ quan cấp cao của KGB, người phát hiện ra gián điệp Mỹ như Aldrich Ames và Robert Hanssen. Và đến năm 1995, ông James một lần nữa đến ở Metropol trong suốt thời kỳ chiến tranh giữa Nga với Chechnya, khi đó ông đã gặp Yiru Modin, là tay tình báo Xô-viết thâm nhập vào tổ chức Cambridge Five nổi tiếng của Anh Quốc. Khi Snowden bay đến Nga sau khi lấy cắp tài liệu mật của Mỹ với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước này, vài người ở Washington cáo buộc anh là gián điệp Nga. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào củng cố cho ý kiến đó.
Về cá nhân tay nhà báo James, ông cảm thấy có một chút quan hệ gì đó với Snowden. Giống như anh, James cũng từng làm cho NSA ở Hawaii, và từng trải qua 3 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Sau đó, ông James học dự bị đại học tại trường luật và ông chống lại NSA khi phát hiện một chương trình nghe lén bất hợp pháp đối với công dân Mỹ của tổ chức này. Ông nói chương trình ấy trước một hội đồng lập pháp và sau đó có một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về chương trình ấy, dẫn đến Quốc hội phải bổ sung luật để ràng buộc quyền lực của cơ quan tình báo Mỹ hồi những năm 1970. Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, ông James quyết định viết một cuốn sách nói về NSA. Khi cuốn sách xuất bản, một số kẻ đe dọa ông James, cho rằng ông vi phạm luật hoạt động gián điệp, tương tự như Snowden nhưng trong trường hợp ông James, khác với Snowden, không ai có bằng chứng để cáo buộc ông. Kể từ đó, ông viết nhiều sách hơn nói về NSA cũng như nhiều bài báo cho một số tạp chí và các bài viết nhận định, bình luận khác.
Nhưng trong toàn bộ quá trình làm việc của ông James, chưa bao giờ ông có cảm giác đặc biệt như khi tiếp xúc với Snowden. Anh là mẫu nhân viên kiểm soát hậu hiện đại. Ngoài đời, rất ít người gặp được anh kể từ khi anh biến mất ở khu sân bay Moscow hồi tháng 6 năm ngoái. Nhưng dù vậy, anh vẫn hiện diện trên diễn đàn quốc tế, không chỉ như một con người không có quốc gia nhưng còn là một con người không bao giờ thấy mặt. Khi được phỏng vấn tại hội nghị South by South West hoặc nhân các giải thưởng về nhân đạo, tấm hình của anh như chính hiện thân của anh mà thôi. Trong phỏng vấn với TED hồi tháng 3 đầu năm nay, anh tiến xa hơn một chút, có một màn hình nhỏ gắn trên hai thanh đứng có bánh xe, điều khiển từ xa, hiển thị gương mặt anh được truyền hình trực tiếp, cho anh có thể “vừa đi vừa nói” xung quanh khán phòng, và có thể… tự chụp ảnh selfie với người nghe.
Dĩ nhiên, Snowden rất cẩn trọng khi sắp xếp gặp gỡ mặt đối mặt. Câu truyện của Greg Miller vừa đăng tải trên báo chí mô tả những cuộc họp hàng ngày với các quan chức cấp cao của FBI, CIA và văn phòng chính phủ Mỹ luôn đề cập đến các giải pháp bắt cho bằng được Snowden. Đến nỗi một quan chức Mỹ nói với Miller rằng: “Chúng tôi hy vọng sẽ có lúc hắn hớ hênh lên một chiếc máy bay nào đó, và một đồng minh sẽ báo cho chúng tôi biết.” Nhưng anh không lên chiếc máy bay nào cả. Từ khi anh đến Nga, Mỹ hầu như mất mọi dấu vết về anh.
Nhà báo James cố gắng tránh bị theo đuôi khi biết thông tin khách sạn được bố trí để phỏng vấn, nằm ở một nơi khá heo hút và ít khách phương Tây qua lại. Ông kiếm một chỗ ngồi ở lobby đối diện với cửa chính, mở cuốn sách được bảo mang theo ra đọc. Khi kim đồng hồ vừa điểm một giờ, Snowden bước vào, mặc quần jean sẫm và chiếc áo khoác thể thao màu nâu, khoác trên vai phải là chiếc balo đen lớn. Ngay lúc bước vào, anh không thấy ông James nhưng khi James đứng dậy và đi lại, anh hỏi “Anh ở đâu vậy? Tôi không thấy anh.” James chỉ vào chỗ ngồi ban nãy. “Anh từng làm CIA phải không?”, ông James trêu và Snowden cười.
Những ngày tháng tại Nga
Snowden định nói gì đó khi cả hai vào thang máy, nhưng ngay lúc đó có một phụ nữ bước vào nên cả hai cùng im lặng, thưởng thức bản bossa nova cổ điển “Desafinado” khi thang máy đang lên 1 tầng. Khi yên vị, anh chỉ ra một cửa sổ trông ra đường chân trời của một thành phố Moscow hiện đại, với nhiều tòa nhà chọc trời lấp lánh ánh nắng phản chiếu, đổ bóng lên bảy tòa tháp phong cách baroque và gothic mà người địa phương gọi là Stalinskie Vysotki, hoặc đơn giản hơn là tòa nhà Stalin. Đến nay, anh đã ở Nga hơn một năm. Anh đi mua sắm ở siêu thị địa phương mà chẳng ai nhận ra, anh học được một chút tiếng Nga. Anh học cách sống giản dị trong một thành phố đắt đỏ nhưng sạch sẽ hơn New York và phức tạp hơn Washington. Tháng 8 này, giấy tạm trú của anh hết hạn, và ngày 7/8 vừa qua, chính phủ Nga gia hạn cho anh ở thêm tại đây 3 năm nữa.
Một con người không quốc tịch, không hiện thân, nhưng Snowden được Nga “đỡ đầu” thêm 3 năm nữa.
Bước vào căn phòng Snowden đặt trước cho cuộc phỏng vấn, anh quẳng chiếc balo lên trên giường cùng với chiếc nón lưỡi trai và cặp kính mát. Anh gầy, gần như mỏng mảnh, gương mặt có vẻ khắc khổ và có một chúm râu dê như thể nó mới mọc từ đêm qua mà thôi. Anh đeo cặp kính hiệu Burberry nửa gọng, tròng kính chữ nhật. Chiếc áo anh mặc xanh biển nhạt màu và có vẻ quá lớn so với khổ người, sợi dây nịt rộng bản thắt chặt và đôi giày lười Calvin Klein đen đầu bằng. Nhìn tổng thể, anh trông giống một sinh viên năm đầu vậy.

Snowden rất cẩn thận về thứ mà chúng ta biết đến là thế giới tình báo. Khi ngồi xuống, anh tháo pin ra khỏi điện thoại di động. Nhà báo James bỏ quên điện thoại ở khách sạn. Những cộng sự của Snowden liên tục cảnh báo ông James rằng thậm chí khi tắt điện thoại rồi nhưng một chiếc điện thoại vẫn dễ biến thành micro của NSA. Biết được những mánh lới của NSA là một trong những cách tốt nhất giúp Snowden tránh để lại mọi dấu vết như lúc này. Cách khác là tránh đi đến những chỗ có nhiều người Mỹ và phương Tây. Dù vậy, khi anh ra ngoài đường, như đi vào một cửa tiệm máy tính, thỉnh thoảng người Nga nhận ra anh. Lúc ấy, Snowden chỉ nói “Shh”, rồi đặt ngón trỏ lên môi ra dấu giữ bí mật.
Mặc dù là đối tượng bị săn lùng trên toàn cầu nhưng Snowden dường như thoải mái và phấn khởi khi anh mở lon Coca Cola và xé chiếc pizza lớn được giao tận phòng. Anh vừa bước qua tuổi 31 vài ngày. Snowden vẫn nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó anh được cấp phép trở về Mỹ. “Tôi nói với chính phủ Mỹ là tôi sẵn sàng đi tù, miễn là điều ấy phục phụ đúng mục đích”, anh nói. “Tôi quan tâm nhiều đến quốc gia hơn là tới bản thân, nhưng chúng ta không thể cho phép luật pháp trở thành một vũ khí chính trị hoặc không thể đồng ý để dọa người dân đứng lên cho quyền lợi của họ, cho dù có lời giải thích nào hay ho đi chăng nữa. Tôi không nằm trong số đó.”
Trong khi đó, nước Mỹ vẫn còn bị Snowden ám ảnh. Tác động không thể lường trước được về hành động của anh vang vọng ở quê nhà và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chính các tài liệu mật mà anh tiết lộ đã vượt tầm kiểm soát của chính anh. Snowden không còn truy cập chúng nữa. Anh nói rằng anh không mang theo chúng đến Nga. Các bản sao tài liệu hiện đang nằm trong tay của 3 nhóm: First Look Media của nhà báo Glenn Greenwald và nhà làm phim tư liệu Mỹ Laura Poitras; tờ báo The Guardian cũng nhận được bản sao trước khi chính phủ Anh Quốc gây áp lực chuyển bản ấy (không chuyển quyền sở hữu) sang cho tờ The New York Times; và Barton Gellman, nhà báo tờ The Washington Post. Có vẻ như không có cơ hội nào cho NSA có thể thu hồi lại được những tài liệu mật từ tay của 3 nguồn này.
Điều ấy khiến chính phủ Mỹ cảm thấy như bất lực, chỉ chờ cho chuyện gì xảy đến tiếp theo mà thôi, như một chuyển biến ngoại giao nào đó, một phong trào nhân quyền nào đó. Nhưng Snowden lại không mong đợi điều ấy xảy đến, anh cho rằng anh thực sự muốn chính phủ Mỹ đưa ra được một giải pháp nào đó hay ho cho chính xác những thứ mà anh lấy cắp được. Trước khi lấy tài liệu mật, anh đã cố ý để lại dấu vết để các nhà điều tra có thể biết được anh lấy cái gì, cái gì anh chỉ truy cập mà không lấy. Theo cách đó, anh hy vọng NSA sẽ nhận ra được động lực chính của anh khi làm điều đó và không theo dõi gián điệp với một chính phủ nước nào khác. Điều này cũng giúp Mỹ có được thời gian chuẩn bị cho những vụ rò rỉ bí mật quốc gia trong tương lai, cho phép Mỹ thay đổi phương pháp mã hóa, đánh giá lại các kế hoạch hoạt động và đưa ra giải pháp hạn chế thiệt hại. Nhưng anh cho rằng bộ phận kiểm soát của NSA đã bỏ lỡ nhiều manh mối và chỉ đơn giản thống kê tổng thiệt hại, tổng số tài liệu mà anh đã “đụng vào”: 1,7 triệu. Snowden cho biết anh thực sự lấy ít hơn nhiều con số đó. “Tôi cho rằng NSA đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tôi không nghĩ là họ không có khả năng.”
Anh cho rằng chính phủ Mỹ lo sợ tài liệu đó có chứa những nội dung gây tổn hại lớn, là những bí mật mà những người quản lý chưa tìm thấy được. “Tôi nghĩ là có một thứ gì đó ghê gớm liên quan đến họ về mặt chính trị. Sự thật là điều tra của chính phủ không thành công, và họ không biết được mình bị mất thứ gì nên họ nói khống lên con số tài liệu lớn như vậy,” anh cho biết.
Phía sau bức màn của NSA
Tuy vậy, có vẻ như chưa ai biết chính xác lượng dữ liệu mật ấy là gì, NSA vẫn chưa biết, những người bảo quản chưa biết, thậm chí cả Snowden cũng không biết cụ thể. Anh không nói chính xác anh thu thập chúng bằng cách nào nhưng những chuyên gia trong cộng đồng tình báo cho rằng anh đơn giản chỉ cài một con bọ web (crawler), là một chương trình có thể tìm và copy mọi tài liệu có chứa từ khóa hoặc cụm từ khóa cụ thể nào đó. Do vậy có thể nhiều tài liệu đơn thuần chỉ mang tính kỹ thuật và gần như không có thông tin gián điệp hoặc các dữ liệu mật khác.

Và còn có thể có thêm trường hợp khác phức tạp hơn, là có vài kẻ khác mạo danh Snowden, không phải do Snowden chỉ đạo nhưng từ một tay tin tặc khác làm lộ bí mật dưới danh nghĩa Snowden. Chính Snowden mạnh miệng loại bỏ khả năng này khi nhà báo James ghi âm phỏng vấn. Nhưng cùng với chuyến thăm độc lập của nhà báo James thì ông cũng được cấp cho quyền truy cập không hạn chế vào bộ đệm cache bộ tài liệu mật bị lộ ở vài địa điểm khác nhau. Và duyệt qua đống tài liệu số ấy bằng một công cụ tìm kiếm phức tạp, nhà báo James không thể tìm được tài liệu nào trong số đó tương ứng với những gì đã bị tuồn ra bên ngoài mạng, do vậy ông kết luận có một kẻ nào khác ở đâu đó làm điều này. Cả Greenwald và chuyên gia bảo mật Bruce Schneier, người có quyền truy cập đến bộ đệm cache tài liệu, cũng công khai phát biểu rằng họ tin có một kẻ nào khác đang tung tài liệu mật ra cho giới truyền thông.
Thực chất, vào ngày đầu tiên ở Moscow phỏng vấn Snowden, tờ tạp chí Đức Der Spiegel đăng kèm với đó là một câu chuyện dài kể về hoạt động của NSA tại Đức và việc hợp tác giữa NSA và cơ quan tình báo Đức BND. Trong số các tài liệu mà tờ báo này công bố là “Biên bản ghi nhớ” ở cấp bảo mật cao nhất, giữa NSA và BND từ hồi năm 2002, mà theo tờ báo này ghi rõ rằng: “Tài liệu này không nằm trong số tài liệu mà Snowden tiết lộ.”
Một số người nghi ngờ về chuyện liệu khi phát hiện NSA nghe lén điện thoại di động của bà thủ tướng Đức Angela Merkel mà trước nay mọi người nghĩ rằng là do Snowden tiết lộ, thì nay lại đặt lại vấn đề ấy. Vào thời điểm vừa phát hiện ra chuyện này, tờ Der Spiegel đơn giản là gửi thông tin ấy đến Snowden và vài nguồn khác giấu tên. Nếu kẻ tuồn thông tin mật là nhân viên NSA thì có thể đây là một cơn ác mộng khác của NSA, vì điều đó cho thấy NSA không có khả năng quản lý chính thông tin của mình và có thể chỉ ra rằng những hành động của Snowden là với mục đích tốt. Snowden cho biết: “Họ vẫn chưa sửa chữa vấn đề của họ. Họ vẫn sơ suất trong chuyện kiểm duyệt tài liệu, họ vẫn đi bộ, họ không biết chúng đến từ đâu và chúng sẽ đi đâu. Nếu đúng như trường hợp này thì công chúng có còn đặt niềm tin vào NSA khi tổ chức này có mọi thông tin cá nhân, những thông tin về cuộc sống của chúng ta?”
Liệu có ai đó giả mạo Edward Snowden để mọi mũi dùi về tiết lộ thông tin mật đều chỉa đến anh?
Poitras là nhà báo cũng là nhà làm phim, một trong những nhà báo đầu tiên mà Snowden liên lạc, cũng đã viết vài bài cho tờ Der Spiegel. Bà là người nổi tiếng và rất am tường về công nghệ mã hóa, nên thu hút được nhiều nhân viên NSA. Trong đó, bộ đệm tài liệu mật của Snowden có thể làm lá chắn rất lý tưởng cho bà. Sau khi nói chuyện với Snowden, ông John gửi email cho bà Poitras để hỏi liệu có một nguồn rò rỉ thông tin khác ngoài Snowden bên trong NSA hay không. Bà trả lời thông qua luật sư của mình rằng: “Chúng tôi rất tiếc Laura không thể trả lời câu hỏi của ông”.
Cùng ngày nhà báo James ăn chung chiếc pizza với Snowden trong phòng khách sạn tại Moscow, Hạ viện Mỹ đã buộc NSA dừng lại. Số phiếu bầu rất lệch, 293-123, buộc NSA phải dừng quy trình tìm kiếm không được cấp phép ấy trong một cơ sở dữ liệu vô cùng lớn, chứa hàng triệu email và cuộc điện đàm của người Mỹ. Cả hai phe Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều tán thành điều này: “Không cần bàn cãi, người Mỹ càng cảnh giác hơn với những chương trình giám sát của chính phủ, sử dụng để lưu và tìm dữ liệu cá nhân. Bằng cách biểu quyết cho luật sửa đổi, Quốc hội Mỹ có thể chắn chắn đóng lại cánh cửa hậu trong chuyện giám sát hành vi của công dân.”
Đây là một trong những cải cách mà Snowden không được hưởng. Trở lại Moscow, Snowden nhớ lại khi lên máy bay sang Hong Kong, cũng là lúc anh để lộ bản thân mình là kẻ tiết lộ tài liệu mật, và anh tự hỏi mình quên cả bản thân để làm một điều có đáng làm hay không. Việc NSA giám sát mọi thứ trở thành một trong những đề tài nóng trong phiên thảo luận của chính phủ. Tổng thống Obama từng nói thẳng về vấn đề ấy, Quốc hội đưa vấn đề ấy lên bàn làm việc và Tòa án tối cao cũng coi việc nghe lén mà không được cấp phép là vấn đề lớn. Quan điểm của công chúng cũng nghiêng về việc loại bỏ kiểu giám sát đại chúng như vậy. Anh cho rằng “còn tùy nhiều vào câu hỏi biểu quyết, nhưng nếu bạn hỏi đơn giản về những điều như quyết định của tôi để lộ chương trình Prism”, là chương trình cho phép cơ quan chính phỉ trích xuất dữ liệu người dùng từ các công ty như Google, Microsoft và Yahoo, “thì 55% người Mỹ sẽ đồng ý. Nhưng đó là một cái gì đó quá sức tưởng tượng trong vòng cả năm nay mà chính phủ cho đó là hành động siêu trộm cắp.”
Có thể Snowden hơi thái quá nhưng trong chừng mực nào đó, điều ấy đúng. Gần một năm sau lần lộ thông tin đầu tiên của Snowden, giám đốc NSA, Keith Alexander, công bố rằng Snowden “bị tình báo Nga mua chuộc” và tố cáo anh gây ra “tổn hại nghiêm trọng và không thể khắc phục”. Mới đây hơn, John Kerry, ngoại trưởng Mỹ, nói thẳng rằng: “Edward Snowden là thằng hèn, là tên phản quốc, hắn đã phản lại tổ quốc mình.” Nhưng hồi tháng 6 vừa rồi, chính phủ Mỹ dường như nhỏ nhẹ hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, giám đốc NSA mới là ông Michael Rogers cho biết ông đang “cố gắng tỏ ra tỉ mỉ và cân nhắc cẩn trọng đối với trường hợp của Snowden.”
Chuyện đời
Snowden vẫn theo dõi sát sao thông tin cá nhân của anh trên mạng, nhưng anh lại ngại ngần khi nói về chính mình. Một phần bởi do tính nhút nhát tự nhiên và một phần anh “không muốn kéo gia đình liên lụy.” Anh lo lắng nếu chia sẻ các thông tin cá nhân quá chi tiết sẽ khiến anh trông như kẻ “phát-xít” và kiêu ngạo. Nhưng điều mà anh lo ngại nhất là có thể vô tình đi sai mục đích mà anh đã liều cả mạng sống để lôi chúng ra ánh sáng. “Tôi là một kỹ sư, không phải là nhà chính trị. Tôi không muốn đăng đàn gì cả. Tôi sợ khi nói ra những điều quá cá nhân sẽ dẫn đến sai lạc mục đích của tôi, vài chuyện có thể gây nguy hiểm, bôi xấu và phủ nhận cả tính hợp pháp vấn đề nào đó.”
Không thể kể nhiều nhưng Snowden cho chúng ta thấy bản thân anh và gia đình rất “có gốc” nhưng anh không theo dòng chảy tự nhiên ấy.
Nhưng cuối cùng Snowden đồng ý nói về cuộc sống riêng của anh, chúng ta lại thấy một chân dung không phải dữ dằn, chuyên gây hấn mà là một người duy tâm, chân thành, nghiêm túc, từng bước từng bước trải qua quãng thời gian sống như bao người, lớn lên và vỡ mộng về quốc gia và chính phủ mà mình đang sống trong đó.
Sinh ngày 21/6/1983, Snowden lớn lên ở ngoại ô Maryland, không xa trụ sở NSA. Cha anh có trong cấp hàm của đội phòng vệ biển Coast Guard. Mẹ anh, bà Wendy, làm việc cho Tòa án quận ở Baltimore, và chị gái anh, Jessica, làm luật sư ở trung tâm tòa án liên bang ở Washington. “Mọi thành viên trong gia đình tôi theo cách nào đó đều thuộc công chức nhà nước.” Còn cha của Snowden cho biết “chúng tôi xem Ed là đứa thông minh nhất trong nhà.” Chẳng ai trong gia đình ngạc nhiên khi anh đạt được trên 145 điểm IQ trong cả 2 kỳ thi IQ riêng rẻ.
Thay vì bỏ hàng giờ ngồi xem truyền hình hay chơi môn thể thao nào đó như một đứa trẻ thông thường, Snowden rất yêu thích đọc sách, nhất là thần thoại Hy Lạp. “Tôi nhớ là mình chỉ cần cầm quyển sách lên và có thể biến mất hàng giờ trong nó,” anh nói. Snowden nói rằng đọc về những mẫu chuyện thần thoại đóng vai trò rất quan trọng khi anh trưởng thành, cho anh một đường hướng để đối diện với những thách thức, trong đó có những tình huống về đạo đức. “Tôi cho rằng khi tôi bắt đầu nghĩ về cách làm thế nào chúng ta nhận ra vấn đề, và thước đo của một cá nhân là làm thế nào xác định và giải quyết vấn đề đó.”

Ngay sau khi Snowden cho thấy mình là kẻ tung tài liệu mật thì có rất nhiều phương tiện truyền thông tập trung vào một yếu tố là anh đã từng bỏ học khi học xong lớp 10, với ý ám chỉ rằng anh chỉ là kẻ lười nhác, không có học hành gì. Nhưng thực chất, thời gian ấy anh bị bệnh tăng bạch cầu đơn nhân, khiến anh phải ở nhà đến gần 9 tháng để trị bệnh. Thay vì phải học trả nợ, Snowden thi thẳng vào trường cao đẳng. Từ nhỏ, anh đã đam mê máy tính, nhưng lúc này, niềm đam mê ấy còn sâu nặng hơn. Anh bắt đầu làm việc cho một công ty công nghệ khởi nghiệp của một người bạn học. Trùng hợp là công ty anh làm lại nằm ở Fort Meade, cũng là nơi các trụ sở của NSA đóng.
Snowden đang trên đường đi làm thì xảy ra cuộc tấn công 11/9. “Tôi đang lái xe đi làm và nghe radio thông báo chiếc máy bay đầu tiên vừa đụng vào tòa tháp đôi,” anh cho biết. Như một công dân Mỹ yêu nước khác, anh bị tác động mạnh bởi vụ tấn công ấy. Vào mùa xuân năm 2004, khi cuộc chiến ở Iraq nóng lên với trận chiến đầu tiên diễn ra ở Fallujah, anh tình nguyện gia nhập lực lượng quân đội đặc biệt. “Lúc ấy tôi rất thoáng với những lời giải thích của chính phủ Mỹ, lời tuyên truyền thì đúng hơn. Tôi vẫn đặt niềm tin rất mãnh liệt rằng chính phủ không nói dối với chúng tôi, rằng chính phủ có một mục đích cao thượng, và rằng chiến tranh ở Iraq đang diễn ra đúng như những gì họ nói, là chỉ nhắm đến những đối tượng cụ thể nào đó để giải phóng cho những người bị áp bức. Tôi muốn thực hiện nghĩa vụ của mình.”
Snowden cho biết anh rất thèm muốn được gia nhập vào lực lượng đặc biệt ấy bởi vì nó cho anh cơ hội học thêm ngoại ngữ. Anh vượt qua được bài sát hạch về hạnh kiểm nhưng đến bài sát hạch về thể chất, anh bị gãy cả 2 chân khi luyện tập. Vài tháng sau đó, anh bị loại.
Ra khỏi quân đội, Snowden có một chân làm nhân viên an ninh tại một nhà máy bí mật, yêu cầu anh cần có chuyên môn về an ninh ở mức cao. Anh thi đậu kỳ thi dò tìm hàng giả và kiểm tra thông tin một đối tượng nào đó. Và rồi anh thấy mình đang bước vào con đường sự nghiệp liên quan đến thế giới tình báo bí mật. Sau một khoảng thời gian làm việc cho các cơ quan tình báo, anh được phân bổ một vị trí trong NSA, cụ thể là anh thuộc bộ phận truyền thông toàn cầu, là bộ phận chuyên xử lý các vấn đề máy tính tại các trụ sở chính của NSA ở Langley, Virginia. Đó là một hệ thống mạng mở rộng và công việc của anh như một kỹ sư máy tính đơn thuần, là công việc mà anh từng làm từ năm 16 tuổi. “Công việc chỉ là che giấu các trang web, chỉ có vậy. Tất cả chúng đều liên kết với nhau bên trong các trung tâm NSA. Chính tôi và một cộng sự khác làm việc theo ca làm công việc này.” Nhưng ngay sau đó Snowden phát hiện ra một trong những bí mật lớn nhất của CIA: mặc dù hình ảnh của CIA được xem như là tổ chức công nghệ cao nhưng công nghệ của họ sử dụng lại lỗi thời. Cơ quan này không như những gì mà người khác nhìn từ bên ngoài.
Vì là người mới trong đội ngũ quản lý máy tính, Snowden được gửi đến trường học nghiệp vụ của CIA do các chuyên gia công nghệ bồi dưỡng. Anh sống tại đó, trong một khách sạn gần 6 tháng ròng. Sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng, vào tháng 3/2007, Snowden đến Geneva, Thụy Sỹ, là nơi CIA đang tìm thông tin về ngành công nghiệp ngân hàng. Anh được thuyên chuyển từ làm việc cho Mỹ sang làm việc cho Liên hiệp quốc. Anh được cấp hộ chiếu ngoại giao, một căn hộ 4 giường ngủ gần hồ và một hợp đồng làm việc rất tươm tất.
Thức tỉnh
Chính tại Geneva, Snowden nhận thấy nhiều nhân viên CIA đánh đổi nguyên tắc đạo đức để giành lấy công việc. Bởi vì gián điệp được đề cử dựa vào số lượng nhân sự tuyển vào và thường có tình trạng tranh giành nhau bất kể khả năng có hay không. Các tay điều hành có thể dụ cho đối tượng say xỉn để khiến đối tượng đó phải vào tù, và lại chuộc họ ra, đặt đối tượng dính vào cảnh nợ nần. “Họ thực sự làm những điều đầy rủi ro để có thể tuyển dụng được, và gây ra những tác động rất tiêu cực lên cá nhân đối tượng đó, thêm nữa là tạo ra hình ảnh rất xấu về danh tiếng của quốc gia nếu bị bắt. Nhưng chúng tôi chỉ đơn giản là làm phần việc của mình,” Snowden cho biết.
Khi đã lao xuống vực thì không thể leo lên lại được nữa. Snowden biết điều đó và anh vẫn kiên định với quyết định của mình.
Trong thời gian ở Geneva, Snowden biết được nhiều điệp viên tại đây không ủng hộ chiến tranh ở Iraq và chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Vì công việc của anh ở đó là bảo trì hệ thống máy tính và quản lý mạng nên anh có thể truy cập được nhiều thông tin hơn ai hết về những mệnh lệnh chỉ đạo cuộc chiến đó. Những gì trông thấy đã tác động sâu sắc đến anh. “Đây là triều đại của tổng thống Bush, là khi cuộc chiến có rất nhiều góc tối. Chúng tôi tra tấn người dân; chúng tôi nghe lén mọi thứ.”
Anh bắt đầu có ý định lật tẩy mọi thứ nhưng lúc ấy Obama được bầu làm tổng thống nên anh im lặng. “Tôi nghĩ những chỉ trích về cuộc chiến Iraq của Obama tạo nhiều ấn tượng và ông ấy đại diện cho một giá trị khác của Mỹ. Ông ấy nói rằng chúng ta không hy sinh đi quyền lợi của chúng ta. Chúng ta không phải thay đổi con người chúng ta chỉ để bắt cho được một tỉ lệ rất nhỏ các tên khủng bố.” Nhưng Snowden dần dần càng thấy thất vọng theo góc nhìn của anh vì Obama không làm theo những gì ông ấy từng hùng biện. “Họ không chỉ không thực hiện lời hứa mà còn thoái thác hoàn toàn điều ấy. Họ đi theo hướng ngược lại. Điều đó có nghĩa gì đối với một xã hội, một nền dân chủ, khi mà những con người bạn bầu ra dựa trên nền tảng là lời hứa của họ nhưng cơ bản là họ bị mua chuộc hết rồi?” anh cho biết.

Phải mất vài năm thì tầng ảo ảnh mới này mới thực sự hiển hiện. Vào lúc ấy, năm 2010, Snowden chuyển từ CIA sang làm cho NSA, chấp nhận công việc là chuyên gia kỹ thuật ở Nhật Bản với Dell, là công ty đối tác lớn cho NSA. Từ sự kiện 11/9, dòng tiền đổ vào mảng tình báo rất nhiều, và công việc của NSA lúc ấy buộc phải thuê ngoài (outsource), bắt tay với một số đối tác bảo mật, trong đó có Dell và Booz Allen Hamilton. Đối với Snowden, nước Nhật luôn là đất nước đầy quyến rũ: anh muốn đến thăm Nhật từ hồi còn là cậu bé mới lớn. Snowden làm việc tại văn phòng NSA tại Yokota AirBase, bên ngoài Tokyo, nơi mà anh hướng dẫn cho các quan chức cấp cao và tướng lĩnh quân đội về cách bảo vệ mạng lưới của họ chống lại đám tin tặc Trung Quốc.
Nhưng Snowden càng lúc càng tỉnh ngộ hơn. Đã đủ điều tệ hại khi anh còn thấy điệp viên chuốc các tay chủ ngân hàng say xỉn để rồi kéo họ về phe mình. Lúc này anh đã biết thế nào là giết đúng đối tượng và theo dõi đại trà, anh biết được mọi thứ đều chạy hết lên trên các màn hình của trụ sở NSA trên toàn thế giới. Snowden xem được những chiếc chiến đấu cơ không người lái của quân đội và CIA lặng lẽ xé nát cơ thể một ai đó. Và anh cũng bắt đầu khâm phục khả năng theo dõi của NSA trên quy mô lớn, là khả năng tạo một bản đồ di chuyển của mọi người trong một thành phố bằng ách giám sát địa chỉ MAC của họ, là con số định danh độc nhất cho mỗi chiếc điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử.
Ngay cả khi niềm tin vào nhiệm vụ anh được giao trong cơ quan tình báo của Mỹ lung lay dữ dội nhưng con đường thăng tiến của anh lại rất xán lạn, anh trở thành chuyên gia kỹ thuật được tin cậy. Năm 2011, anh trở về Maryland, nơi đó anh dành khoảng 1 năm làm chuyên gia công nghệ của Dell, dưới danh nghĩa nhân viên CIA. “Tôi có thể ngồi cùng bàn với CIO của CIA, CTO của CIA, với trưởng bộ phận các văn phòng chi nhánh. Họ sẽ nói cho tôi nghe về những vấn đề công nghệ khó khăn nhất mà họ đang vấp phải và công việc của tôi là đến đó để sửa.”
Nhưng vào tháng 3/2012, Snowden lại di chuyển một lần nữa, lần này là đến một trạm khổng lồ ở Hawaii mà trong giới gọi là “đường hầm”, vẫn giữ chức trưởng nhóm công nghệ cho văn phòng chia sẻ thông tin, tập trung vào các vấn đề kỹ thuật. Bên trong “đường hầm” là một hầm chứa rộng đến hơn 2,3 ha, trước đây từng là công xưởng để ngư lôi. Lo ngại của Snowden về khả năng của NSA và chuyện dễ xảy ra sai sót mỗi ngày một lớn. Trong những phát hiện khiến anh sốc nhất là NSA từng thường xuyên chuyển những dữ liệu liên lạc mật, riêng tư, các nội dung metadata, cho tình báo Israel mà không hề được mã hóa. Thường thì các thông tin như vậy sẽ được “tối thiểu hóa”, là quy trình bỏ đi tên tuổi và nhận dạng cá nhân. Nhưng trong trường hợp này, NSA hầu như không làm gì để bảo vệ thông tin liên lạc của người dân Mỹ, trong đó có cả email và số điện thoại của hàng triệu người Mỹ gốc Ả Rập và Palestine, mà người thân của họ có thể đang ở đất nước Palestine đang bị Israel chiếm đóng, và những người ấy cũng có thể trở thành mục tiêu dựa trên chuyện không bảo mật thông tin như vậy.
Phát hiện rắc rối khác là một tài liệu của giám đốc NSA, Keith Alexander, cho thấy NSA đang theo dõi thói quen xem nội dung đồi trụy của các chính trị gia. Tài liệu ấy đề nghị rằng NSA có thể tận dụng “những kẻ hở cá nhân” để phá hoại thanh danh của những chính trị gia nào không đồng thuận với kế hoạch công kích chủ nghĩa khủng bố. Sau đó, tài liệu này liệt kê ra sáu người bị xem là đối tượng tiềm năng. Greenward đã xuất bản một phiên bản có hiệu chỉnh về tài liệu này hồi năm ngoái, đăng trên Huffington Post.
Snowden rất hổ thẹn về tài liệu này. “Nó giống như kiểu FBI cố gắng sử dụng sự bội tín của Martin Luther King để gán ghép rằng ông ấy tự tử. Vào những năm 1960, những điều này không thể chấp nhận được. Vậy thì tại sao bây giờ chúng ta lại làm chuyện đó? Tại sao chúng ta lại phải dây dưa với nó thêm lần nữa?” anh nói.
Vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước, nghị sỹ Mỹ Frank Church cũng sốc tương tự như vậy khi biết được nhiều thập kỷ liền cơ quan tình báo Mỹ cài gián điệp theo dõi một cách bất hợp pháp, đó là lần đầu tiên hoạt động của cơ quan này bị phơi ra trước công chúng. Vụ việc xa xưa ấy đã mở ra một cánh cửa để Quốc hội Mỹ đưa ra một số điều chỉnh luật, trong đó có bổ sung một đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài.
Snowden thấy được có một sự liên đới nào đó giữa thời ấy và hiện nay. “Frank Church ví von vụ việc đó giống như nó đang ở trên một bờ vực. Ông lo ngại một khi chúng ta ngã vào rồi thì sẽ không thể nào trở lên được. Và đến nay, lo ngại này của ông đã thành sự thực, là chúng ta lại một lần nữa đứng trên bờ vực.” Giống như Church trước đây, anh thấy rằng cách duy nhất để sửa sai là phơi bày mọi thứ của chính phủ ra ánh sáng. Nhưng Snowden không có một hội đồng nghị viện ủng hộ cho việc anh làm hoặc quyền đưa ra trát hầu tòa đối với NSA. Anh phải làm nhiệm vụ ấy âm thầm, lén lút, giống như cách anh được trui rèn vậy.
Lộ mặt
Lúc ấy, anh cũng biết có rất nhiều thứ liên lụy khủng khiếp xảy đến. “Thực sự rất khó để bước ra ánh sáng, không chỉ vì tôi tin vào thứ gì đó nhưng tôi còn đủ niềm tin để có thể đặt cược chính bản thân mình để nhóm đống lửa thui trụi nó.”
Nhưng anh cảm thấy mình không còn chọn lựa nào khác. Hai tháng sau, anh đáp chuyến bay đến Hong Kong với một chiếc túi đầy bút nhớ.
Hơn bất kỳ điều gì, Snowden sợ một sai lầm ngớ ngẩn nào đó phá hỏng hết những nỗ lực, công sức mà anh bỏ ra cho đến giờ.
Vào buổi chiều của lần gặp thứ ba với nhà báo James, cách khoảng 2 tuần sau lần gặp đầu tiên, Snowden trực tiếp đến phòng khách sạn của James. James cũng đổi khách sạn vài lần, lúc ấy là ông đang ở khách sạn National, phía bên kia đường là điện Kremlin và quảng trường Đỏ. Lenin từng sống ở khách sạn này, phòng 107, và có cả cái bóng của Felix Dzehinsky, vị tình báo trưởng thời Xô-viết, luôn đeo bám những lối đi trong khách sạn.
Nhưng cái bóng ấy không phải là nỗi sợ của Snowden mà chính là các tay sếp cũ của anh, CIA và NSA. “Nếu có ai đó đang tìm tôi thì họ có cả đội, nhiệm vụ của đội ấy là hack tôi. Tôi không nghĩ họ xác định được vị trí của tôi nhưng chắc chắn là họ luôn giám sát những kẻ đang nói chuyện trực tuyến với tôi. Thậm chí nếu họ không biết bạn đang nói cái gì vì đường truyền được mã hóa thì họ vẫn có được rất nhiều thông tin khác như bạn đang nói với ai, nói khi nào.”
Hơn bất kỳ điều gì, Snowden sợ một sai lầm ngớ ngẩn nào đó phá hỏng hết những nỗ lực, công sức mà anh bỏ ra cho đến giờ. “Tôi không phải là người có xu hướng tự hủy mọi thứ. Tôi không muốn tự hiến tế mình và tự xóa danh tính mình ra khỏi trang web lịch sử. Nhưng nếu bạn không nắm lấy cơ hội thì không thể thắng được”, anh nói. Vì thế, anh đi một bước trước những kẻ đang theo dấu anh. Dù vậy, anh cũng thừa nhận “Tôi đang bị trượt và đến một lúc nào đó họ sẽ hack được tôi. Điều đó trước sau gì cũng xảy ra.”
Thực sự, một số người liên lạc với anh đã phạm sai lầm. Năm ngoái, Greendward không thể mở được một mã hóa tài liệu mật của GCHQ, là đối tác Anh Quốc của NSA, mà Snowden gửi cho ông. Vì vậy, anh gửi cho cộng sự lâu năm là David Miranda từ quê nhà ở Rio đến Berlin để lấy một bộ tài liệu mật khác từ tay Poitras. Tờ Guardian đặt một chỗ giao nhận tại London. Và GCHQ giám sát, phát hiện được. Chính phủ Anh tóm gọn Miranda ngay khi ông vừa đến Anh và tra khảo anh đến 9 tiếng liên tục. Ngoài ra, một ổ cứng gắn ngoài chứa 60 gigabit dữ liệu, khoảng 58.000 trang tài liệu, của ông cũng bị tịch thu. Mặc dù mọi tài liệu ấy được mã hóa bằng một chương trình mã hóa phức tạp tên là TrueCrypt nhưng chính phủ Anh Quốc phát hiện một tài liệu của Miranda chỉ sử dụng mật khẩu, và họ giải mã được khoảng 75 trang. Đến nay, Greenwald vẫn chưa truy cập được toàn bộ tài liệu của GCHQ cất giữ.
Một lo lắng khác của Snowden là thứ mà anh gọi là thứ chai lì của NSA. “Một người chết thì được coi là thảm kịch, còn một triệu người chết thì họ chỉ coi đó là số liệu.” NSA không cảm thấy một điều gì đó tội lỗi trong hành động của họ nữa.
Snowden cũng không hy vọng gì ở kỳ bầu cử tiếp theo, rằng sẽ có một cuộc cải tổ chính sách nào đó. Cuối cùng, anh nghĩ rằng chúng ta nên đặt niềm tin vào công nghệ, không phải vào các chính trị gia nữa. “Chúng ta có phương tiện và chúng ta có công nghệ để có thể chấm dứt khả năng giám sát trên diện rộng của NSA mà không vấp phải bất kỳ hành động nào mang tính pháp lý, mà không phải thay đổi chính sách gì khác. Câu trả lời là công nghệ mã hóa bảo mật. Cơ bản chỉ là đem bảo mật trở thành chuẩn mặc định cho mọi thông tin truyền thông, chúng ta có thể chấm dứt được ngay vấn đề giám sát đại trà, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.”
Snowden cho biết cho đến nay nhiều phát hiện mới dần dần hé lộ. “Chúng ta chưa thấy được hồi kết”, anh nói. Do vậy, vài tuần sau buổi phỏng vấn này, tờ The Washington Post có đưa ra nhận định rằng chương trình giám sát của NSA thu thập nhiều dữ liệu người dùng vô tội của Mỹ hơn là dữ liệu của những đối tượng cụ thể ở nước ngoài cần theo dõi. Có đến hàng trăm ngàn trang tài liệu mật đã bị tiết lộ cho đến nay nhưng không có tài liệu nào đề cập đến một kẻ tay trong nào khác ngoài Snowden. Nhưng anh cho rằng thông tin đó nếu có chứa trong bất kỳ tài liệu mật nào bị lộ trong thời gian tới thì “Câu hỏi cho chúng ta bây giờ không phải là câu chuyện bí mật kỳ thú nào kế tiếp, mà là chúng ta sẽ phải làm gì với nó?”
./.
Ghi chú: Đây là câu chuyện của cộng tác viên kỳ cựu James Bamford về Edward Snowden, được đăng trên tờ The Wired số tháng 9/2014, được chuyển dịch và đăng lại nhiều kỳ trên PCWVN