Điểm mù của công nghệ

Nhiều lúc cứ nghĩ công nghệ sẽ đi hướng này, nhưng nó lại rẽ hướng khác, vì những điểm mù mà không ai nhìn ra được.

Bài này cũng được đăng trên PCWVN

Năm 1857, tròn hai thập kỷ trước khi Thomas Edison phát minh ra cái máy hát, một người Pháp tên là Édouard-Léon Scott de Martinville đã phát minh ra được một cái máy ghi lại âm thanh và đã được cấp bằng phát minh. Lấy cảm hứng từ những nghiên cứu về thích giác người và đam mê với nghệ thuật viết tốc ký, Scott đã nảy ra một ý tưởng mới và quái dị: thay vì người viết tốc ký, máy móc sẽ viết về sóng âm.

Cái máy của Scott truyền sóng âm trong một cái ống như cái tù và, ở cuối cái ống ấy là một màng lọc. Sóng âm sẽ tạo ra rung động ở màng lọc, sau đó rung chấn ấy truyền đến một cây bút và cây bút ấy tự vẽ ra sóng âm trên một tờ giấy than. Ông gọi phát minh ấy là máy ghi chấn động âm: chiếc máy tự ghi lại âm thanh.

Trong biên niên sử về phát minh, chưa có phát minh nào vừa có “tầm nhìn”, vừa lại “thiển cận” như câu truyện phát minh về máy ghi chấn động âm như trên. Một mặt, Scott đã tạo ra được một bước đột phá rất quan trọng về nhận thức, đó là nhận ra sóng âm trong không gian có thể ghi lại được và biểu thị trên một phương tiện ghi âm nào đó trước rất lâu những sáng tạo khác về âm học xuất hiện. (Như Scott đã đi trước Edison đến 2 thập kỷ). Nhưng phát minh của Scott lại vấp phải một thứ vô cùng quan trọng và khá khôi hài. Ông là người đầu tiên đưa ra được thiết bị ghi âm. Nhưng ông không hề nghĩ, hay có ý niệm nào về một thiết bị phát lại âm thanh ghi được ấy.

Đến nay, rõ ràng chúng ta có thiết bị ghi âm và đương nhiên thiết bị ấy cho chúng ta nghe lại âm thanh ghi được. Nhưng thời của Scott, người ta nhận thức muộn màng khả năng này. Đó không phải vì Scott quên hay không thể chế tạo ra một chiếc máy phát âm, nhưng vì ý tưởng ấy chưa hề đến với ông. Đó chính là điểm mù của ông.

Khi chúng ta nói về những tiến bộ công nghệ, chúng ta thường có khuynh hướng chú ý nhiều đến bản chất của nó, thậm chí vài người có thể nhìn được cả những tiềm năng vô hình, thấy được tương lai công nghệ ấy sẽ ứng dụng như thế nào trong tương lai. Nhưng có một mặt mà cái khả năng “tầm nhìn” ấy luôn chứng minh, và chứng minh nhiều lần trong lịch sử phát minh của nhân loại về một yếu tố là: điểm mù. Đó là những khả năng đôi khi thoát ra khỏi tầm nhìn của chúng ta, và thường điểm ấy sẽ toả sáng.

Chiếc máy ghi âm được cấp bằng sáng chế hồi năm 1857 nhưng nó chưa bao giờ có khả năng phát lại âm thanh ghi được.  

Có lẽ điểm mù phổ biến nhất là chúng ta thường cho rằng một thiết bị mới nào đó sẽ không bao giờ đến tay rất nhiều người. Ví dụ về điều này đó là những dự báo rất tự tin về nhu cầu sử dụng máy tính trong thời gian đầu của kỷ nguyên số. Điển hình nhất là vào năm 1977, Ken Olsen, đồng sáng lập DEC (Digital Equipment Corporation) cho rằng chẳng ai cần một chiếc máy tính cá nhân trong nhà cả.

Lạ kỳ là làm việc ở một lĩnh vực mới mẻ nào đó sẽ giúp chúng ta nhìn ra được những điểm mù ở những lĩnh vực khác.

Nhưng những điểm mù ấy càng chứng minh cái cách mà một công nghệ nào đó được hình thành và tận dụng tốt đến như thế nào. Lạ kỳ là làm việc ở một lĩnh vực mới mẻ nào đó sẽ giúp chúng ta nhìn ra được những điểm mù ở những lĩnh vực khác, bởi vì chúng ta dấn vào một lĩnh vực mới nào đó thì sẽ không hề có tiền lệ hoặc hướng dẫn nào, mà ta phải mày mò dấn tới. Bạn thiết kế ra một công cụ, trong đầu hướng đến ứng dụng cho mục đích nào đó cụ thể, nhưng quá trình ấy lại “xoá mù” cho bạn ở mục đích khác. Ví dụ, Scott cố tạo ra một chiếc máy tốc ký tự động. Ông cho rằng con người có thể “đọc” được những những đường sóng âm ngoằn ngoèo thật nhanh, như cách đọc tốc ký. Đó không phải là ý tưởng điên rồ khi ta nhìn lại. Đã có những nghiên cứu chứng minh con ngowfi có thể nhận diện những mẫu sóng đồ thị như vậy; giống như cách chúng ta nhận diện được các mẫu tự alphabet rất tự nhiên mà không cần phải động não suy nghĩ đó là chữ gì như học sinh lớp 1. Bản ghi sóng âm cũng vậy, nốt nhạc cũng vậy, nếu đã thành thục thì đọc chúng không còn là vấn đề. Nhưng buồn thay là đến nay bộ não của chúng ta không có khả năng giải mã tốc ký sóng âm của Scott bằng mắt.

Tương tự vậy, vào thời hậu chiến, tính “thiển cận” cũng xảy ra với phát minh tia laser. Các tiểu thuyết gia khoa học từng đưa tia sáng có cường độ hội tụ lớn như một khí tài quân sự, như bạn đã thấy những thanh gươm ánh sáng trong “Chiến tranh giữa các vì sao”. Khi các nhà nghiên cứu tại Bell Labs và Hughes Aircraft thực sự sản xuất ra tia laser vào những năm 1960, họ chưa bao giờ tưởng tượng ra được ứng dụng phổ biến đầu tiên của tia laser sẽ là quét mã vạch nơi các quầy tính tiền ở cửa hàng.

Một điểm mù về phát minh khác: chúng ta chẳng làm gì được khi một công cụ mới nào đó bị “lạm dụng”. Các nhà phát minh ra chuẩn email – Post Office Protocol và Simple Mail Transfer Protocol – mà chúng ta quen với tên giao thức POP và SMTP, có một tầm nhìn rõ ràng cho 2 giao thức mang tính cách mạng này khi họ còn thai nghén chúng. Hệ thống của họ được thiết kế để cho phép tin nhắn được truyền ở mức tối đa, giảm tối thiểu lọc hay yếu tố cản trở nào khác. Ý tưởng tấn công giao thức này để gửi thư rác (spam) chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 1978 khi một nhà tiếp thị của DEC tên là Gary Thuerk gửi một email nhảm nhí cho toàn mạng Arpanet, mời họ kiểm tra những sản phẩm mới nhất trong dòng DECSystem-20. Rồi đến nay, thư rác chiếm đến hơn 70% lượng email trên toàn cầu.

Nhiều điểm mù cũng có nguyên nhân là từ lối ẩn ý. Nhiều người chúng ta không thấy được cuộc cách mạng về mạng xã hội đang tiến đến, một phần vì cái lối ẩn ý của web, khiến chúng ta nghĩ web như là một loại tài liệu nào đó: tài liệu đa liên kết, những trang thông tin; mà đáng lẽ ra ta cũng cần hiểu web cũng là con người. Nhà phát minh ra web, Tim Berners-Lee rõ ràng chỉ xem chuẩn HTML/HTTP của web mà ông tạo ra theo nghĩa đen, nghĩa kỹ thuật mà thôi. Những tài liệu này được định nghĩa rất rõ ràng và chi tiết trong giao thức này, nhưng định danh người dùng lại không hề có. Kết quả là hầu hết những trải nghiệm ban đầu với web đều theo mô hình tạp chí hoặc mô hình xuất bản phẩm nào đó, chứ không hề có dáng dấp nào của mạng xã hội.

Ít nhất, chúng ta có thể thư thái đôi chút khi những điểm mù đáng xấu hổ nhất nhiều lúc lại có tính đột phá lớn.

Chúng ta thường không thể nhận diện về những phát triển và yếu tố khả thi quan trọng vì chúng ta cho rằng những xu hướng gần đây sẽ theo cái quỹ đạo hiện thời của chúng. Như cách nay 1 thập kỷ, người ta cho rằng videogame sẽ đi theo quỹ đạo từ PacMan đến World of Warcraft, từ đồ hoạ 8-bit cho đến 3D, dù cho ai cũng nghĩ vậy, nhiều nghiên cứu cũng dự đoán là vậy. Nhưng tất cả đều “chưng hửng” với những game như FarmVille, Dots, Flappy Bird… là những game rất đơn giản và cực kỳ thích hợp khi chơi trên Facebook hay iPhone.

Cho rằng những xu hướng hiện thời đôi lúc sẽ khiến chúng ta lo lắng về một vấn đề nào đó không thể chuyển thành một cuộc cách mạng công nghệ được. Cách nay 200 năm, Thomas Malthus ước đoán dân số thế giới sẽ bùng nổ và nhân loại sẽ hứng chịu nạn đói toàn cầu. Nhưng đến nay điều này không xảy ra, thậm chí dân số thế giới còn tăng nhanh hơn ông tưởng, bởi vì ông không lường được dân số thế giới tăng, song song đó là kỹ thuật nông nghiệp và sản lượng nông sản cũng tăng tiến theo thời gian.

Từ bài học này, những người bao biện hiện nay cũng có nhiều ý nghĩ đắt giá, nhất là Peter Diamandis, khi ông cho rằng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời hay năng lượng nguyên tử sẽ được ứng dụng rất nhiều, giống như trường hợp của người thời Malthus cách nay vài thập kỷ từng dự đoán. Nhưng những nhà dự báo lạc quan cũng có điểm mù. Chúng ta cũng đã có những tiến bộ về năng lượng hoá thạch, năng lượng sinh học… Đôi khi giải pháp lại nằm ở những nơi ta không ngờ tới.

Ít nhất, chúng ta có thể thư thái đôi chút khi những điểm mù đáng xấu hổ nhất nhiều lúc lại có tính đột phá lớn. Scott không kiếm được đồng nào từ phát minh của ông và có thể bị lịch sử cho vào quên lãng. Nhưng khoảng 15 năm sau khi chiếc máy ghi sóng âm thanh của ông ra đời, một nhà phát minh khác với một thiết kế ghi âm, ông đã tạo ra một kỹ thuật mới để ghi và truyền lại bản ghi ấy thành âm. Tên ông ấy là Alexander Graham Bell.